SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu quá trình lên men liên tục bằng tế bào cố định trong sản xuất cồn từ rỉ đường mía 

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Công nghiệp thực phẩm thực hiện nghiên cứu điều kiện làm việc của hệ thống lên men liên tục để sản xuất cồn từ rỉ đường mía sử dụng tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae CNTP 7028 cố định trong canxi alginate.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất cồn từ rỉ đường mía, việc nghiên cứu xây dựng hệ thống sản xuất cồn theo công nghệ tiên tiến như công nghệ lên men liên tục có sử dụng kỹ thuật cố định tế bào nấm men là một giải pháp được quan tâm.

Các ưu điểm của lên men liên tục chủ yếu là do mật độ tế bào cao được nhốt giữ trong các chất mang nên hiệu quả tiếp xúc với cơ chất cao hơn. Ngoài ra lên men liên tục cho phép giảm hiệu ứng ức chế của sản phẩm lên men. Trong hệ thống lên men liên tục gồm nhiều thiết bị phản ứng thì sản phẩm từ bình phản ứng thứ nhất được chuyển qua các bình tiếp theo và do đó sẽ làm giảm ảnh hưởng của sự ức chế. Trong công nghệ sản xuất cồn, việc kết hợp giữa kỹ thuật cố định tế bào và quá trình lên men liên tục sẽ là một hướng đi có triển vọng để giảm giá thành sản xuất.

Với nghiên cứu này, nhóm tác giả khảo sát một số yếu tố quan trọng trong lên men liên tục của quá trình sản xuất cồn từ rỉ đường bằng tế bào nấm men CNTP 7028 được cố định trong canxi alginate.

Kết quả cho thấy, quá trình lên men liên tục trong sản xuất cồn từ rỉ đường mía sử dụng tế bào nấm men cố định hoạt động tốt nhất ở tốc độ pha loãng 0,154 l/l/giờ, với nồng độ rỉ đường 210 g/l. Lượng cồn thu được ổn định trong khoảng thời gian 40 ngày với nồng độ cồn duy trì trung bình 10,8%.
 
LV (nguồn: Hội nghị NC&PT các sản phẩm tự nhiên lần 3)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả