Tiền Giang: Giải pháp phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh
09/12/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Vừa qua, Hội đồng KH&CN tỉnh Tiền Giang đã thống nhất nghiệm thu đề tài “Khảo sát, đánh giá môi trường, đề xuất và triển khai giải pháp phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang” do KS. Phan Hữu Hội làm chủ nhiệm, Chi cục Thủy sản chủ trì.
Hình minh họa.
Đề tài được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang với mục tiêu khảo sát, đánh giá tác động môi trường nước trên các thủy vực sông, rạch, vùng nội đồng và vùng Cửa Tiểu tỉnh Tiền Giang; tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập huấn quy trình sản xuất giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm một số giống loài cá bản địa và một số giống loài thủy sản nước lợ, mặn; thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản một số giống loài cá bản địa; và đề ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Sau 3 năm triển khai đề tài đã đạt được những kết quả sau:
- Các chỉ số môi trường như nhiệt độ, pH, oxy, NH3, độ trong, độ kềm ở các vùng điều tra, khảo sát đều nằm trong giới hạn cho phép của Bộ Thủy sản cũng như tiêu chuẩn Việt Nam. Riêng chất lượng nước từ năm 2009 - 2011 có chiều hướng giảm dần một số chỉ tiêu như oxy hòa tan thấp, NH3 tăng và ở huyện Tân Phước thì độ pH vẫn còn rất thấp, độ trong cao, môi trường nước nghèo dinh dưỡng dẫn đến nguồn lợi thủy sản nghèo nàn.
- Các chỉ số về sự tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong môi trường nước trên các con sông lớn qua kết quả phân tích có hàm lượng nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên ở các con sông nhỏ vùng nội đồng thuốc trừ sâu ảnh hưởng cục bộ làm ảnh đến thủy sản tự nhiên.
- Việc khai thác thủy sản bằng những ngư cụ có tính chất hủy diệt hàng loạt nguồn lợi thủy sản đang diễn ra phức tạp dẫn đến một số loài có nguy cơ biến mất. Các loài có giá trị kinh tế ngày càng giảm dần về tính đa dạng về thành phần loài và số lượng quần đàn…
Nhìn chung nguồn lợi thủy sản đã và đang sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng và thành phần loài do nguồn lợi thủy sản sông Mê Kông, do khai thác bừa bãi, ý thức cộng đồng chưa cao, khai thác tận diệt, do hình thành ô đê bao trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến hệ sinh thái có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến các loài thủy sản sinh sống, sinh sản và phát triển. Do vậy cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ thủy sản/năm đối với những vùng thích hợp, nhằm vừa tăng hiệu quả sản xuất kinh tế hộ vừa mang tính bền vững, tạo điều kiện cho thủy sản tự nhiên có nơi sinh sống và sinh sản; xã hội hóa công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào môi trường tự nhiên; đồng thời tăng cường công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, tiếp tục tuyên truyền các quy định của nhà nước và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân…
LV (nguồn: TC Hoạt động KH, 11/2012)