SpStinet - vwpChiTiet

 

Mộ táng thời kim khí ở khu vực tỉnh Long An ngày nay (qua hai di tích An Sơn và Gò Ô Chùa)

Nghiên cứu do tác giả Võ Thị Huỳnh Như (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQG-HCM) thực hiện. Hai di tích An Sơn và Gò Ô Chùa thuộc địa bàn tỉnh Long An là hai trong số ít các di tích thời kỳ kim khí ở khu vực Nam Bộ còn lưu giữ trong mình một lượng lớn các di tích mộ táng, một tài liệu có giá trị trong việc nghiên cứu nhân học cũng như khảo cổ học ở khu vực Nam Bộ.
 

Hình minh họa.

Từ những tư liệu chính là mộ táng ở An Sơn và Gò Ô Chùa, trong cái nhìn so sánh với các di tích mộ táng khác ở Nam Bộ và cả Việt Nam, có thể khái quát về mộ táng ở Long An như sau: táng thức bằng mộ đất (có thể có hoặc không có huyệt mộ), với di cốt nằm ngửa, duỗi thẳng là một đặc trưng của mộ táng thời kim khí ở Long An, và cả Nam Bộ.

Trong một số di tích ở vùng ven biển như Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Gò Cây Tung có thể ảnh hưởng của một số yếu tố từ bên ngoài nên có thêm một vài nét khác biệt. Đặc trưng này cũng có thể là một đặc trưng táng thức của cư dân nông nghiệp nói chung, vì nó không chỉ có ở miền Nam mà còn có trong các di tích ở miền Bắc. Những ngôi mộ ở đây còn có hiện tượng rải gốm (hoặc đá, nhưng ít phổ biến) xung quanh di cốt.

Tuy nhiên trong những cộng đồng cư dân sống ở khu vực phía Nam này những quy tắc táng thức có vẻ như chưa được chặt chẽ, hiện tượng táng với nhiều hướng mộ khác nhau, cắt phá giữa các mộ vẫn còn phổ biến, điều này có thể là do điều kiện địa hình chi phối. Bên cạnh việc phổ biến hình thức đơn táng, đã có sự xuất hiện những hình thức song táng, cải táng, đó có thể là biểu hiện của việc phổ biến hình thức gia đình theo quan hệ máu mủ, là một đơn vị trong cộng đồng, không còn là một thị tộc nói chung.

So với các di tích trong văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, những di tích ở Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung có phần “nghèo” hơn về số lượng cũng như loại hình đồ tùy táng, nhất là những đồ tùy táng bằng kim loại, thủy tinh. Tuy nhiên hầu hết những hiện vật tùy táng ở Nam Bộ đều là những vật dụng còn có thể sử dụng, không phải là đồ minh khí, cũng không có hiện tượng phá hủy rồi mới chôn vào mộ (trừ một số ít ở Dốc Chùa). Đồ tùy táng chủ yếu là các loại hình đồ đựng bằng gốm (nồi, bát bồng, đĩa,…) ở các di tích muộn, có thể có thêm hiện vật kim loại, thủy tinh, đá quý. Đồ tùy táng giữa các mộ có sự chênh lệch về số lượng cũng như loại hình (nhưng nếu so với Đông Sơn, sự chênh lệch này còn cao hơn), thể hiện sự phân hóa xã hội đã xuất hiện trong cộng đồng.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân cổ An Sơn và Gò Ô Chùa đã có quan hệ trao đổi với các cư dân khác. Đó là mối quan hệ mật thiết với các di tích tiền – sơ sử trong khu vực Vàm Cỏ Đông và vùng trũng Đồng Tháp Mười, với các cư dân vùng văn hóa Đông Nam Bộ, vùng đầm lầy ven biển Cần Giờ…
Vượt ra ngoài khu vực Nam Bộ, các cư dân cổ sống trên vùng đất Long An có thể đã thiết lập mối quan hệ với khu vực miền Trung, miền Bắc Việt Nam, và khu vực Đông Nam Á,…
LV (nguồn: Kỷ yếu Hội nghị KH Trẻ ĐHQG-HCM, 10/2012)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả