SpStinet - vwpChiTiet

 

Lâm Đồng: Điều tra, đánh giá, phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông

Đề tài “Điều tra, đánh giá, phân loại các loài nấm dưới tán rừng thông tỉnh Lâm Đồng” do Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà chủ trì, ThS Tôn Thất Minh chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đã đưa ra nhiều thông tin bổ ích.

Hình minh họa.

Trước đó các công trình nghiên cứu về nấm tại Lâm Đồng còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Đề tài nghiên cứu này tập trung vào điều tra các loài nấm cộng sinh ngoại bì (nấm ăn được và nấm độc) ở vùng phân bố tập trung thông ba lá tự nhiên tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà. Bước đầu phát hiện và mô tả được 6 bộ, 12 họ, 23 chi và 65 loài với 30 loài nấm ăn được và 35 loài nấm độc. Trong đó có 2 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam là nấm thông Boletus edulis và nấm loa kèn cantharellus cibarius. Xây dựng bộ mẫu vật với 23 mẫu khô, 54 mẫu tươi. Đề tài đóng góp cơ sở dữ liệu làm tiền đề để xây dựng cẩm nang các loài nấm ăn được và nấm độc cho Lâm Đồng.

ThS. Tôn Thất Minh đã tiến hành phân lập và nhân giống thành công 3 loài nấm ăn được là Dẻ xanh Russula virescens, Dẻ đỏ Russula paludosa và Kaki nâu Suillus luteus trên môi trường PGA cải tiến. Đưa ba loài nấm từ phòng thí nghiệm ra thực địa (xâm nhiễm). Tuy nhiên, thời gian nghiên cứu ngắn nên cần có những nghiên cứu tiếp theo về cơ chế cộng sinh giữa hệ sợi nấm và rễ cây chủ, nghiên cứu thêm về chu trình sống của một số loài nấm cộng sinh ngoài tự nhiên nhằm nắm vững cơ chế sinh trưởng và phát triển của chúng trong thiên nhiên.

Qua nghiên cứu đề tài cho thấy, Lâm Đồng có tính đa dạng sinh học cao về các loại nấm nói chung và nấm cộng sinh nói riêng. Kết quả xâm nhiễm bước đầu cho thấy khả năng phát triển nuôi trồng một số loài nấm cộng sinh trong tự nhiên để phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen và tăng nguồn lợi từ rừng nên cần đầu tư xây dựng thêm mô hình để đưa vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà.

Đề tài cũng kiến nghị nên đưa chương trình nghiên cứu nấm vào Chương trình đa dạng sinh học của tỉnh Lâm Đồng và cần tập hợp lực lượng chuyên gia vào chương trình đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về tài nguyên nấm để góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cho Lâm Đồng.
 
LV (nguồn: TC Hoạt động KH, 1/2013)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả