Trong khi công cuộc đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là tất yếu không thể trì hoãn, và sự đổi mới ấy về cơ bản chỉ thực sự đi vào đời sống thông qua doanh nghiệp, câu hỏi đặt ra là Nhà nước cần cải thiện chính sách ưu đãi của mình cho doanh nghiệp như thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ?
Hiện nay, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ mới chỉ giới hạn ở doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, và sự ưu đãi mới chủ yếu tập trung vào chính sách thuế. Đây là một bất cập vì việc đầu tư đổi mới công nghệ phải được khuyến khích cho mọi loại hình doanh nghiệp, và nên được hỗ trợ cho những đối tượng có nhu cầu cao (chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng được với những doanh nghiệp đã đầu tư thành công và có lợi nhuận, tức là những doanh nghiệp ít có nhu cầu được hỗ trợ nhất).
Cần xây dựng đội ngũ chuyên gia thẩm định các dự án đầu tư cho CN
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các dự án đổi mới công nghệ, chính sách hỗ trợ tốt nhất của Nhà nước là những khoản vay ưu đãi, được cấp căn cứ trên tính khả thi của dự án và giá trị gia tăng cho nền kinh tế, xã hội, và môi trường mà dự án đầu mang lại. Tuy đây là một hình thức hỗ trợ còn khá xa lạ ở Việt Nam, khi mà hầu hết mọi doanh nghiệp đi vay đều cần có tài sản thế chấp, nhưng thực tế này có thể thay đổi nếu Nhà nước cho triển khai rộng rãi hơn hoạt động cho doanh nghiệp vay đầu tư nghiên cứu và phát triển qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, và đặc biệt là tới đây cho doanh nghiệp vay đầu tư đổi mới công nghệ qua Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia.
Nhưng kỳ vọng đó sẽ không thành hiện thực nếu thiếu vai trò con người. Cái thiếu rất cơ bản hiện nay của các quỹ trên đây là những chuyên gia thẩm định các dự án thương mại hóa công nghệ. Họ là người chỉ ra đâu là những công nghệ có giá trị gia tăng cao nhất, có tính khả thi cao, và cần được sự hỗ trợ cao nhất của Nhà nước, để từ đó các cơ quan chức năng và quỹ KH&CN có thể phân phối nguồn lực đầu tư hỗ trợ một cách hiệu quả. Công việc đó cần sự phối hợp của nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau, không chỉ có những chuyên gia công nghệ mà cả chuyên gia về pháp lý, quản trị, và thị trường.
Do Việt Nam là đất nước phát triển đi sau so với thế giới, các nhà đầu tư thường quyết định theo cảm tính bầy đàn, trong khi không nắm bắt đầy đủ về vòng đời hữu hạn của các loại ngành nghề và các loại hình công nghệ gắn với chúng, mà nếu thiếu những thông tin cơ bản này, người ta không thể xây dựng được các luận chứng kinh tế đáng tin cậy. Hậu quả của tình trạng mù mờ thông tin là bản thân Nhà nước cũng có những quyết định đầu tư sai lầm vào những công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, kém hiệu quả, thậm chí ở tầm vĩ mô Nhà nước có thể lựa chọn sai cả một ngành công nghiệp.
Như vậy, việc cấp bách cần làm hiện nay cho khoa học và công nghệ không phải là tìm thêm nguồn tiền, mà là xây dựng đội ngũ chuyên gia thẩm định và giám sát các dự án sử dụng kinh phí của Nhà nước. Cần mời các chuyên gia về hoạt động kinh doanh và các ngành công nghiệp tham gia các hội đồng thẩm định công nghệ, và ở tầm vĩ mô, nên có các nhà công nghiệp ở tầm quốc tế tham gia tư vấn công tác hoạch định chính sách – điều mà Singapore vẫn làm lâu nay.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những quy định đòi hỏi các hội đồng chuyên gia giải trình trách nhiệm của mình, và có cơ chế chấm điểm các chuyên gia nhằm đảm bảo rằng những người được lựa chọn thẩm định và phản biện các dự án thực sự có đủ năng lực và phẩm chất chính trực, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ được giao – mô hình chấm điểm chuyên gia của quỹ KOTEC của Hàn Quốc là một ví dụ rất đáng học hỏi. Điều này giúp tránh tình trạng cơ quan quản lý nhắm mắt ỷ lại vào những hội đồng thẩm định kém năng lực hoặc phẩm chất đạo đức, hoặc thậm chí lập ra những hội đồng thuần túy mang tính hình thức.
Tận dụng nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội để giảm rủi ro cho Nhà nước
Tuy nhiên, bản thân những nội dung này cũng lại đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể về tầm nhìn, tư duy, và cung cách quản lý của Nhà nước mà chúng ta không thể trông chờ sẽ đi vào hiện thực trong một sớm một chiều – nhìn rộng ra có thể thấy rằng tình trạng yếu kém của các hội đồng thẩm định dự án, hội đồng chấm thầu, hội đồng nghiệm thu v.v. không chỉ tồn tại trong lĩnh vực KH&CN mà trên diện rộng trong nhiều ngành và lĩnh vực đã và đang góp phần không nhỏ gây ra tình trạng kém hiệu quả và thất thoát trong đầu tư công. Vì vậy, trước mắt trong bối cảnh nguồn lực chuyên gia còn hạn chế, cơ chế sử dụng và quản lý các chuyên gia còn chưa đầy đủ và hời hợt, Nhà nước cần dựa tối đa vào nguồn lực của xã hội và động lực bản thân doanh nghiệp để giúp giảm rủi ro đối với nguồn kinh phí hạn chế của mình.
Nguồn lực xã hội ở đây chính là nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Để tận dụng được nguồn lực này cho các khoản vay đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, Nhà nước một mặt cần có những quy định pháp lý mang tính ràng buộc để các ngân hàng không thể từ chối cho doanh nghiệp vay, mặt khác cần có những cách thức giúp đảm bảo ngân hàng không bị thiệt thòi và rủi ro đối với khoản vay được giảm thiểu.
Nhà nước có thể đứng chung với doanh nghiệp trong một khoản vay đầu tư đổi mới công nghệ, trong đó cơ quan chức năng và chuyên gia tư vấn chịu trách nhiệm thẩm định chuyên môn khoa học kỹ thuật, và Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp trả một phần nhỏ của khoản vay, trong khi doanh nghiệp tự phải nỗ lực tối đa trong tìm kiếm thông tin và thực hiện thương mại hóa, nhằm đảm bảo thu hồi vốn để trả nợ cho phần còn lại. Đây là một hình thức hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với các dự án trong đó các chuyên gia thẩm định của Nhà nước không có đủ thông tin để khẳng định dự án có tính khả thi cao về khía cạnh thương mại hóa (có thể do thiếu chuyên gia trong lĩnh vực này) nhưng nhận thấy dự án có tính khả thi cao về mặt kỹ thuật và không chỉ có giá trị cho bản thân doanh nghiệp mà còn có giá trị công ích – giá trị công ích càng cao thì phần hỗ trợ của Nhà nước càng lớn.
Hoặc Nhà nước cũng có thể tiến hành phương thức theo mô hình bảo lãnh của quỹ KOTEC Hàn Quốc, đó là đứng ra bảo lãnh cho khoản vay, và yêu cầu bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cho vay đóng phí bảo lãnh. Nếu doanh nghiệp trả được nợ mà không cần bảo lãnh của Nhà nước thì sẽ được Nhà nước hoàn lại khoản phí đã đóng. Cách làm này vừa tiết kiệm được nguồn lực cho doanh nghiệp cũng như Nhà nước, vừa đảm bảo doanh nghiệp có động lực để triển khai dự án thành công. Nếu nghiên cứu đặt ra được mức phí bảo lãnh phù hợp thì có thể nguồn thu từ phí bảo lãnh vừa đủ để thanh toán cho các khoản vay cần Nhà nước thanh toán giúp, ngay cả khi chất lượng của các chuyên gia thẩm định cấp bảo lãnh chỉ ở mức vừa phải. Tuy nhiên, cơ quan cấp bảo lãnh sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm liên tục nâng cao chất lượng duyệt bảo lãnh nhằm đảm bảo rằng tỷ lệ các khoản vay phải dùng đến bảo lãnh của Nhà nước giảm dần qua mỗi năm.
Nguồn: Tia Sáng