Chất lượng môi trường trầm tích đáy tại đầm Nha Phu – vịnh Bình Cang, tỉnh Khánh Hòa
19/05/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Theo báo cáo phân tích của tác giả Phạm Hữu Tâm (Viện Hải dương học Nha Trang), chất lượng môi trường trầm tích đáy tại khu vực vịnh Bình Cang ít ô nhiễm hơn so với đầm Nha Phu, hàm lượng dinh dưỡng và hữu cơ trong trầm tích ở khu vực này cũng nhỏ hơn so với khu vực đầm Nha Phu.
Kết quả phân tích các mẫu trầm tích đáy, cùng với việc so sánh với các nghiên cứu trước đây cho thấy, chất lượng môi trường trầm tích đáy tại khu vực nghiên cứu đang có chiều hướng suy thoái.
Các hoạt động kinh tế và dân sinh có ảnh hưởng đến chất lượng môi trường của khu vực này. Ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế đối với môi trường trầm tích đáy thể hiện rõ rệt tại vùng đỉnh đầm Nha Phu, nơi tiếp nhận trực tiếp nguồn nước đổ ra từ sông Dinh và các sông suối khác, cũng là nơi các hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển nhất. Hàm lượng cao của cấp hạt bùn-sét, muối dinh dưỡng, chất hữu cơ, kim loại nặng thường tập trung ở đây.
Do những đặc thù về chế độ thủy văn nên khả năng trao đổi nước mạnh và do lượng chất thải đổ vào vẫn còn ít so với khả năng tiếp nhận của thủy vực. Do đó chất lượng môi trường trầm tích đáy của thủy vực nghiên cứu cho đến nay vẫn còn tương đối tốt.
Để cải thiện chất lượng môi trường trầm tích đáy của đầm Nha Phu – vịnh Bình Cang (Khánh Hòa) cần có những biện pháp cụ thể sau đây:
- Cải thiện điều kiện vệ sinh cộng đồng ở khu dân cư là việc làm cần thiết và cấp bách. Nên tiến hành xây dựng các hệ thống thoát nước, tập trung nguồn nước thải khu dân cư, xử lý trước khi đổ thải vào đầm.
- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục (xuất bản, ban hành, phổ biến các hướng dẫn và sổ tay đến người nuôi tôm,…) nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người nuôi tôm trong việc bảo vệ môi trường mà họ đang nuôi.
- Ngoài việc khoanh vùng nuôi tách biệt tôm và các đối tượng nuôi khác, sớm có các dự án đầu tư hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản, nhằm giúp việc lưu thông và trao đổi nước giữa các ao nuôi với bên ngoài tốt hơn.
Lam Vân (nguồn: Hội nghị ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM lần 1)