Nghiên cứu ảnh hưởng của khuôn mềm CTAB đến hình dạng hạt nano vàng
13/01/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Phong, Phan Thị Thanh Tâm (ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM), Võ Quốc Khương (ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương)…, sử dụng CTAB là chất bảo vệ đặc biệt có khả năng làm bền thanh nano vàng trong giai đoạn tạo mầm lẫn giai đoạn phát triển.
Hạt nano vàng gần đây được quan tâm nghiên cứu mạnh vì một số tính năng đặc biệt có tiềm năng lớn ứng dụng trong y sinh và xúc tác. Các nghiên cứu đang tập trung sử dụng hạt nano vàng làm tâm mang cho các hệ thống phân phối thuốc, ứng dụng chẩn đoán chữa trị ung thư, đái tháo đường…
Kết quả nghiên cứu đã chế tạo thành công thanh nano với chất bảo vệ CTAB Sigma vàng với chiều dài trung bình 53 nm, chiều rộng trung bình 27 nm, tỷ lệ tương đối 1,96. Phổ UV-Vis xuất hiện hai peak đặc trưng của thanh nano vàng tại bước sóng trên 520 nm và trên 60 nm. Ảnh TEM cho thấy các thanh nano có kích thước tương đối đồng đều độ đa phân tán thấp. Ngoài ra còn chế tạo được thanh nano vàng (AuNRs) có cấu trúc “dogbone” với kích thước trung bình là 53 nm và một số dạng khác như tam giác, lập phương.
Với CTAB Indian, chế tạo được hạt nano vàng dạng cầu với kích thước trung bình là 42 nm, nhánh và thanh ngắn (với tỷ lệ rất thấp), sản phẩm có độ đa phân tán cao. Phổ UV-Vis có chủ yếu một peak hấp thu rộng, độ đa phân tán cao. Đã khảo sát các yếu tố ảnh hưởng lên dung dịch phát triển như nồng độ chất khử ascorbic, nồng độ chất bảo vệ CTAB, thời gian cho mầm.
LV (nguồn: TC Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN VN, 4AB51-2013)