Hố ga chống ngập triều cường tự động
14/12/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong cuộc thi “Sáng chế năm 2013” do Bộ KHCN tổ chức, sáng chế “Hố ga chống ngập triều cường tự động” là 1 trong 15 sáng chế lọt vào vòng chung khảo.
Tác giả của sáng chế, ông Phạm Ngọc Quý (Hà Nam) cho biết, vấn đề ngập cục bộ về bản chất là do ùn ứ nước, triều cường và địa hình nơi đó trũng thấp nên hố ga thu nước không tiếp nhận hoặc tiếp nhận không đủ yêu cầu khi có triều cường hay mưa lớn.
Để giải quyết 1 điểm ngập cụ thể nào đó sẽ phải thay hố ga và giữ nguyên cống thoát nước đang có sẵn. Sau đó trong mỗi hố ga sẽ lắp đặt thêm máy bơm có công suất từ 3- 7,5 HP tùy theo địa hình và lượng nước cần thoát. Do trong hố ga có máy bơm tạo dòng chảy tăng vận tốc tiêu thoát nên có thể làm thoát nhanh một lượng nước lớn.
Với một số vị trí ngập nặng có thể sử dụng phối hợp với máy bơm (hiện đang có) đặt ở cuối đường cống chính để bơm nước ra kênh rạch với tốc độ nhanh hơn. Đồng thời kết hợp cùng với những dự án thoát nước đang triển khai sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Hố ga chống triều cường có thể lắp đặt ở mọi điểm thấp, trũng thường xảy ra ngập cục bộ như đường phố đô thị, các điểm thấp trũng trong đô thị, trường học và các cơ quan doanh nghiệp.
Ông Quý cũng cho biết, với những nơi đã có hố ga và đường ống, chỉ phải đầu tư thêm 1 máy bơm và 1 phao kiêm van tự động (với kinh phí gần 10 triệu đồng) là có thể xóa bỏ tình trạng ngập lụt. Còn tại những nơi chưa có hệ thống đường ống hay hố ga thì với việc đầu tư 3 hố ga và thiết bị (với kinh phí gần 300 triệu đồng) là có thể xóa bỏ hẳn tình trạng ngập lụt.
Theo GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội, giải pháp kỹ thuật hố ga chống triều cường và mưa lớn có chất lượng kỹ thuật và đạt yêu cầu thực tiễn rất cao.
Với việc sử dụng ngay ống cống đã có sẵn như 1 ống bơm, sau đó lắp thêm bơm chìm trực tiếp tại hố ga của điểm bị ngập cục bộ, hố ga 2 ngăn sẽ đưa nước tới nơi tiếp nhận với công suất chủ động tùy theo yêu cầu thực tế.
Tính sáng tạo của giải pháp kỹ thuật này chính là cơ chế hoạt động của phao hình trụ kiêm chức năng van, có cơ cấu hoạt động hiệu quả cao, thuận lợi cho việc sử dụng nhựa PVC Tiền Phong để làm phao kiêm van, không sử dụng kim loại trong cơ cấu đóng mở van. Do đó, hố ga chống triều cường và mưa lớn có độ bền cao, giá thành rẻ và hoạt động ổn định.
Ngoài ra, khi sử dụng, 1 hố ga chỉ tiêu tốn 45kWh điện nhưng tiêu thoát được tới 900m3 nước mưa tới nơi tiếp nhận (máy bơm chỉ hoạt động khi mà sắp xảy ra ngập lụt).
Theo GS.TS Vũ Hoan, hố ga chống triều cường và mưa lớn tự động hoàn toàn có thể triển khai đại trà tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM để chống ngập úng và đáp ứng các tiêu chí về môi trường, tiết kiệm năng lượng và có ý nghĩa cộng đồng rộng lớn.
Bên cạnh đó, công nghệ còn trợ giúp tốt cho việc hoạch định và phát triển đô thị, cải tạo và nâng cấp đô thị được thuận lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu nước biển dâng.
Ông Lê Tiến Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quý Phương cho biết, hiện nay Công ty TNHH Quý Phương đã sử dụng hố ga chống triều cường tự động của ông Quý được 3 năm và hiệu quả rất tốt. Do ở gần sông Châu Giang nên mỗi khi mưa lớn, công ty thường bị ngập tới 1m nước, sau khi đầu tư 3 hố ga tự động thì tình trạng ngập lụt khi mưa lớn trong Công ty không còn nữa.
Có thể nói hố ga chống triều cường tự động sẽ là một giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết bài toán triều cường hiện nay của TP.HCM.
Nguồn: Khoa học Phổ thông