Xử lý nước thải chợ trên mô hình BASTAF trồng cây
13/08/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Với đề tài này, tác giả Lâm Vĩnh Sơn (Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) thực hiện nghiên cứu thành phần và tính chất của nước thải chợ đa ngành hàng từ đó xác định phương pháp xử lý nước thải thích hợp; nghiên cứu, đánh giá khả năng xử lý của mô hình hợp khối BASTAF – bãi lọc ngầm đối với nước thải chợ; đề xuất công nghệ xử lý nước thải chợ với chi phí thấp và thân thiện với môi trường.
Theo nghiên cứu, mô hình hợp khối BASTAF (BAFFLED SEPTICTANK) – bãi lọc ngầm được vận hành theo nguyên tắc dòng nước tự chảy. Trong đó, bể BASTAF là bể kỵ khí với 5 ngăn: 1 ngăn chứa, 2 ngăn phân hủy sinh học kỵ khí và 2 ngăn lọc kỵ khí. Bãi lọc ngầm trồng cây Trầu bà trắng (Syngonium Podophyllum) có diện tích bề mặt là 0,24 m2. Nước thải lấy từ Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức.
Kết quả cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm của nước thải tại Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức khá ổn định, thích hợp cho việc khảo sát mô hình hợp khối BASTAF - bãi lọc ngầm bằng thời gian lưu nước. Trong quá trình khảo sát thời gian lưu nước với 3 giá trị là 36 giờ, 48 giờ và 60 giờ, thì hiệu suất xử lý thấp nhất đối với 36 giờ. Còn đối với thời gian lưu 48 giờ và 60 giờ thì hiệu suất đều rất cao và xấp xỉ nhau ở hầu hết các thông số. Chính vì vậy, nếu xét trên về mặt hiệu quả về thời gian xử lý cũng như tiết kiệm chi phí thì có thể kết luận được thời gian lưu nước 48 giờ là tối ưu cho mô hình hợp khối BASTAF – bãi lọc ngầm.
Với thời gian lưu 48 giờ thì hiệu suất xử lý là 89,8% COD; 93,7% TSS; 84,4% TP; 81,4% TN và 94,5% Coliform. Nước thải đầu ra đạt quy chuẩn loại A của QCVN 24:2009/BTNMT ở hầu hết các thông số. Một kết quả nghiên cứu khác cho thấy bãi lọc ngầm có hiệu suất xử lý cao hơn bể BASTAF ở tất cả các thông số, đặc biệt là Nitơ tổng, Phospho tổng và Coliform. Mô hình hợp khối BASTAF – bãi lọc ngầm rất thích hợp để xử lý nước thải chợ và các loại nước thải khác có tính chất tương tự.
Tác giả cũng kiến nghị về hướng phát triển của đề tài: khảo sát ảnh hưởng của tải trọng ô nhiễm khác nhau đến hiệu suất của mô hình khi xử lý những loại nước thải có nồng độ chất thải dao động lớn; tiến hành nghiên cứu khả năng xử lý nước thải của nhiều loài thực vật khác ngoài cây Trầu bà trắng nhằm nâng cao hiệu suất của bãi lọc ngầm; nghiên cứu khả năng xử lý của mô hình đối với các chất ô nhiễm khác như kim loại nặng, chất gây màu…
LV (nguồn: HN KH&CN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần 1)