Sáng chế chén cổ giúp xe máy an toàn, tiện dụng
23/10/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Các loại xe máy hiện nay chủ yếu sử dụng hai loại chén cổ dạng côn liền ren và côn định vị bằng trụ. Dạng côn liền ren thì được lắp đặt cố định trên cốt trụ, do đó chén cổ ít quay tròn. Người đi xe thường chạy xe theo đường thẳng, ít quẹo, dẫn đến chén cổ bị mòn lún theo phương thẳng đứng tại một vị trí do lực tập trung không đều trên toàn tiết diện tiếp xúc; các viên bi bên trong cũng vậy. Điều này làm chén cổ nặng và rơ tay lái, ảnh hưởng đến tính an toàn của xe. Dạng côn định vị bằng trụ thì không được lắp đặt cố định mà có độ rơ để chén quay, tạo cho người đi xe cảm giác không yên tâm. Nếu siết lại cho thật chặt thì lại làm cho chén cổ mau hư hơn và phải đi thay.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, kỹ sư cơ khí Nguyễn Vĩnh Sơn (Q.10, TP.HCM) đã sáng chế một loại chén cổ khắc phục được các nhược điểm trên mà thời gian sử dụng lại lâu hơn. Sản phẩm này đã nhận được bằng sáng chế năm 2013 (số 1-2013-01594).
Loại chén cổ của KS. Sơn có bạc đạn không tiếp xúc với trục lái và được lắp ngược. Các viên bi chạy vòng trong mặt “côn” của chén cổ không bị định vị bởi dung sai cốt lái (trục lái) và lỗ của sườn dẫn đến hai
mặt “côn” chén cổ được tiếp xúc với tất cả viên bi trong chén cổ ngoài làm tăng độ bền mòn lún và các viên bi cũng lâu mòn hơn. Phần dưới của chén cổ vẫn ôm sát trục lái, xoay nhẹ nhàng và không rơ nhờ vào thiết kế ống trụ ngược. Theo KS. Sơn, đạn sẽ tiếp xúc nhiều hơn nên tay lái sẽ ổn định hơn ngay khi ở tốc độ cao. Phôi chén cổ được chế tạo từ thép bạc đạn sẽ làm tăng thêm thời gian sử dụng từ 3 - 5 năm. Giá sản phẩm chỉ bằng phân nửa giá thị trường và được bảo hành 3 năm.
Nguồn: Khoa học Phổ thông