Ảnh hưởng của rong câu chỉ vàng khô đến tăng trưởng, tỷ lệ sống và chất lượng thịt của bào ngư nuôi tại Bạch Long Vỹ
07/08/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nghiên cứu khả năng sử dụng rong câu chỉ vàng khô (Gracilaria asiatica) làm thức ăn để nuôi bào ngư (Haliotis diversicolor Reeve, 1846), nhằm chủ động nguồn thức ăn bảo đảm về số lượng và chất lượng, góp phần phát triển nghề nuôi bào ngư thương phẩm tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng do nhóm tác giả Võ Hồng Phương (Cao học Nuôi trồng thủy sản 2010 – Trường Đại học Nha Trang), và TS. Lục Minh Diệp (Viện Nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nha Trang) thực hiện.
Bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor) là loài động vật chân bụng có phân bố chính tại vùng biển của đảo Bạch Long Vỹ, từ lâu đã được biết đến như là loại đặc sản bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao và được sử dụng như là vị thuốc tự nhiên quý hiếm.
Kết quả nghiên cứu sau 166 ngày nuôi bào ngư thương phẩm bằng lồng trên biển cho thấy, có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về tăng trưởng chiều dài và khối lượng của bào ngư ở các nghiệm thức thức ăn khác nhau. Bào ngư tăng trưởng cao nhất về chiều dài (42,80±0,040mm) và khối lượng (38,00±0,043g) ở nghiệm thức sử dụng thức ăn phối hợp là 25% rong câu khô + 75% rong tươi và tăng trưởng thấp nhất (41,90±0,066mm và 35,60±0,044g) khi sử dụng hoàn toàn rong câu chỉ vàng khô làm thức ăn. Tỷ lệ sống của bào ngư đạt cao nhất (94,7%) khi nuôi bằng rong tươi, sau đó giảm dần theo mức độ tăng của tỷ lệ rong khô trong khẩu phần thức ăn và đạt thấp nhất (83,3%) khi cho ăn hoàn toàn bằng rong câu chỉ vàng. Tuy nhiên, tỷ lệ thịt/vỏ của bào ngư khi nuôi bằng rong câu chỉ vàng khô là 51%, cao hơn so với nghiệm thức cho ăn bằng rong tươi (45%), song không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về hàm lượng các chất dinh dưỡng và thành phẩm axit amin.
Để phát triển nghề nuôi bào ngư thương phẩm tại Bạch Long Vỹ, cần tăng cường sử dụng rong câu khô như là một nguồn thức ăn thay thế cho nuôi bào ngư thương phẩm trong mùa đông khi rong biển tự nhiên bị già và tàn lụi hoặc khi thời tiết không thuận lợi.
MN (Nguồn: Tạp chí Khoa học – Công nghệ thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, số 2/2014)