Nghiên cứu khả năng ứng dụng chế phẩm chitosan oligomer phòng trừ bệnh hại trên một số cây trồng
19/06/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Hai tác giả Nguyễn Hồng Sơn (Viện Môi trường nông nghiệp) và Dương Văn Hợp (Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học – ĐHQG Hà Nội) nghiên cứu sử dụng chế phẩm chitosan oligomer có độ pha loãng 300 lần tương đương hàm lượng chitosan oligomer khoảng 120mg/lit trong phòng trừ một số bệnh hại trên một số cây trồng chính như cà chua, dưa chuột, đậu ăn quả và bắp cải.
Chitosan là một dạng kitin đã bị khử axetyl (kitin là polyme sinh học có nhiều trong thiên nhiên, chỉ đứng sau xenluloza). Việt Nam có nhiều lợi thế trong khai thác kitin từ phụ phẩm chế biến tôm với lượng phụ phẩm kitin từ tôm ước tính có thể đạt 15.000 tấn mỗi năm. Đây là nguồn nguyên liệu có giá trị cho sản xuất thuốc bảo vệ thực vật dùng cho canh tác nông nghiệp sạch. Chitosan oligomer là chế phẩm sinh học được nghiên cứu sản xuất từ vỏ tôm bằng phương pháp sinh học, có khả năng ức chế sự phát triển của một số vi sinh vật gây bệnh thực vật. Đây là sản phẩm của chương trình hợp tác nghiên cứu giữa ĐH Liege (Vương quốc Bỉ) với Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học.
Kết quả nghiên cứu khả năng ứng dụng chế phẩm chitosan oligomer trong phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng cho thấy, chế phẩm có hiệu quả phòng trừ rõ rệt đối với các bệnh hại chủ yếu trên các cây rau trong nghiên cứu này gồm cà chua, dưa chuột, đậu ăn quả và bắp cải. Hiệu quả trừ bệnh của chitosan phụ thuộc vào phương pháp và nồng độ sử dụng. Chitosan có thể hạn chế rõ rệt bệnh chết ẻo cây con, bệnh héo xanh vi khuẩn hại cà chua và bệnh thối nhũn bắp cải khi tưới thuốc vào gốc cây con.
Hiệu quả trừ các bệnh này khi tưới thuốc vào gốc cao hơn rõ rệt so với chỉ phun trên lá cũng như cao hơn phương pháp phòng trừ mà nông dân đang áp dụng là phun Validacin vào cây sau trồng 5 ngày. Với hiệu quả này, chỉ cần sử dụng chitosan ở nồng độ 1/300 là phù hợp để trừ bệnh chết ẻo cây con; khi trừ bệnh héo xanh vi khuẩn hoặc thối nhũn bắp cải thì phải sử dụng ở nồng độ 1/100.
Chitosan có thể hạn chế tốt bệnh hại lá như bệnh sương mai cà chua, phấn trắng dưa chuột, gỉ sắt đậu trạch; hiệu quả trừ bệnh trên lá thấp hơn bệnh hại toàn thân. Hiệu quả trừ bệnh sương mai đạt cao nhất, sau đó đến bệnh phấn trắng và thấp nhất là bệnh gỉ sắt. Khi phun trừ lên lá với tần suất 10 ngày/lần, hiệu quả trừ bệnh đạt cao hơn khi phun 15 ngày/lần.
Cần tiếp tục nghiên cứu sản xuất các dạng chitosan để phù hợp với mục đích ứng dụng trong đất như tạo dạng hạt, bột để có thể trộn với phân chuồng, phân hóa học khi sử dụng. Nhà nước cần hỗ trợ dự án sản xuất thí nghiệm, từ đó đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất chitosan quy mô lớn nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm vỏ tôm, cua, góp phần tăng nguồn thu cho người sản xuất và bảo vệ môi trường.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, tháng 2/2014)