Kết quả xây dựng mô hình tháp giống hạt nhân mở đàn bò Holstein Friesian tại Tuyên Quang
19/02/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Đặng Đình Trung, Nguyễn Hữu Lương, Trần Sơn Hà, Vương Quốc Tuấn… (Bộ môn Di truyền – giống vật nuôi, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Bộ môn Sinh lý – sinh sản và tập tính vật nuôi, Cty CP chăn nuôi CP Việt Nam) thực hiện nhằm đánh giá khả năng sinh sản, khả năng sản xuất sữa và khối lượng cơ thể của đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) thuần ở trong các tầng tháp giống và qua các năm xây dựng mô hình tại Tuyên Quang, từ đó đề xuất biện pháp cải tạo giống thích hợp.
Theo đó, tuổi đẻ lứa đầu của đàn bò HF nuôi ở Tuyên Quang trong mô hình tháp giống hạt nhân mở sớm (29,45 tháng tuổi). Tuổi đẻ các lứa tiếp theo, lứa sau ngắn hơn lứa trước, tầng hạt nhân và tầng nhân giống ngắn hơn so với tầng sản xuất.
Khoảng cách giữa các lứa đẻ của đàn bò HF tương đối ngắn (14,60 tháng). Khoảng cách lứa đẻ trung bình giữa các lứa của đàn bò trong các năm giảm dần theo các năm và ở 3 năm cuối (2008-2010), khoảng cách lứa đẻ của đàn bò khác nhau không nhiều.
Sản lượng sữa trung bình của đàn bò HF trong toàn bộ tháp giống bò sữa HF ở Tuyên Quang là 4565,64 kg/chu kỳ, trong đó đàn hạt nhân đạt 6044,38 kg/chu kỳ; đàn nhân giống đạt 5004,26 kg/chu kỳ và đàn sản xuất đạt 4085,36 kg/chu kỳ. Sản lượng sữa hàng năm có xu hướng tăng lên. Sản lượng sữa theo lứa đẻ 4270,72 kg/chu kỳ ở lứa 1; 4180,69 kg/chu kỳ ở lứa 2; 4697,70 kg/chu kỳ ở lứa 3; 4778,55 kg/chu kỳ ở lứa 4 và 4903,75 kg/chu kỳ ở lứa thứ 5 trở đi. Sản lượng sữa tăng cao hơn 11,87% so với ban đầu.
Sản lượng sữa trên 100 kg thể trọng cao nhất ở đàn hạt nhân sau đó đến đàn nhân giống và thấp nhất ở đàn sản xuất. Điều này cho thấy hiệu quả của việc áp dụng mô hình tháp giống hạt nhân mở nhằm làm tăng năng suất sữa của đàn bò. Tuy nhiên, cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý giống phù hợp cho các tầng tháp để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
LV (nguồn: TC KHCN chăn nuôi, số 41-2013)