Tác động của biến đổi khí hậu đến nhu cầu nước canh tác lúa
17/06/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong nghiên cứu này, các tác giả Vũ Ngọc Dũng (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi); Huỳnh Thị Lan Hương (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường) và Chu Thị Thanh Hương (Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) sử dụng chương trình Cropwat để tính toán thay đổi về nhu cầu tưới cho các vùng canh tác lúa tỉnh Quảng Ngãi ứng với các kịch bản tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo đó, BĐKH làm thay đổi tăng nhiệt độ ở các thời kỳ tương lai dẫn đến lượng bốc hơi tiềm năng theo các kịch bản BĐKH ở các thời kỳ tương ứng tăng. Về mức độ tăng, khu vực đồng bằng tăng ít hơn so với khu vực miền núi và trung du. Đến thời kỳ 2080-2099, mức độ tăng mạnh nhất ở khu vực miền núi và trung du có thể đạt tới 7,2% so với thời kỳ nền (1980-1999), khu vực đồng bằng có thể tăng tới 6,59%.
Do tác động của BĐKH, nhu cầu nước dành cho tưới các khu vực canh tác lúa tỉnh Quảng Ngãi có khả năng gia tăng, mức tăng khá nhanh qua các thời kỳ theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ nền, trong đó kịch bản A2 (phát thải cao) tăng mạnh nhất và kịch bản B1 (phát thải thấp) tăng ít nhất.
Từ các kết quả tính toán cho thấy, có thể sử dụng mô hình Cropwat (chương trình tính nhu cầu tưới, chế độ tưới và kế hoạch tưới cho các loại cây trồng trong các điều kiện khác nhau; phiên bản 8.0 được soạn thảo, công bố và yêu cầu áp dụng bởi Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc – FAO) để tiếp tục tính toán nhu cầu nước cho các loại cây trồng khác và từ đó tính toán cân bằng nước (sử dụng các mô hình MITSIM, mô hình WUS, mô hình RIBASIM, mô hình MIKE BASIN…) phục vụ cho bài toán quy hoạch mạng lưới thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
LV (TC Khí tượng thủy văn, số 639-2014)