Hội chẩn trực tuyến là hình thức giúp các bác sĩ tuyến cơ sở tiếp cận trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành. Nhận thấy nhu cầu này ngày càng lớn tại Việt Nam, Công ty iNext (Vườn ươm doanh nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM) đã cho ra đời hệ thống tổng đài IP và video conference Bách khoa bằng đường truyền Internet thông thường. Và mới đây, Sở KH-CN TPHCM đã nghiệm thu, bước đầu cho triển khai thí điểm công nghệ này tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Hình ảnh từ phòng mổ được truyền rõ nét trên màn hình.
14 ca kết nối trực tuyến
“Bắt đầu!”, giọng của TS-BS Nguyễn Đình Phú cùng đội ngũ y bác sĩ phẫu thuật vang lên từ phòng mổ của Bệnh viện Nhân dân 115. Ở điểm cầu còn lại (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), từng công đoạn phẫu thuật, từng đường cắt của dao mổ hiển thị rõ nét trên màn hình ti vi. Theo hồ sơ bệnh án, người được mổ là một nữ bệnh nhân 81 tuổi, bị té gãy khớp háng, phải phẫu thuật thay khớp.
Vừa theo dõi, Th.S Nguyễn Chí Ngọc, giảng viên ngành điện tử - viễn thông ĐH Bách khoa (đại diện iNext Technology) giải thích, đây là ca mổ trực tuyến thứ 14 được ghi hình tại Bệnh viện Nhân dân 115 nhờ các camera IP độ nét cao đặt trong phòng mổ. Các ca mổ hoặc ca chẩn đoán trực tuyến trước đây đã từng được truyền trực tuyến đến một số bệnh viện địa phương như Cà Mau, Tiền Giang và các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Hệ thống này thực hiện thông qua đề tài nghiên cứu tại Sở KH-CN TPHCM từ tháng 9 năm ngoái và được nghiệm thu vào cuối tháng 3 năm nay.
Hệ thống bao gồm phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần cứng không quá phức tạp với kích cỡ chỉ bằng một chiếc CPU máy tính, được tích hợp 3 phần gồm: video conference (ghi, phát hình ảnh, âm thanh trực tuyến), BKPACS (bộ phận lưu trữ dữ liệu y tế) và camera IP phòng mổ. Hệ thống tổng đài IP và video conference Bách khoa kết nối với các trang thiết bị sẵn có của bệnh viện là hoạt động được ngay.
Th.S Nguyễn Chí Ngọc dẫn chứng: “Khi có bất kỳ ca bệnh nào cần sự tư vấn nhanh của các bác sĩ đầu ngành, bệnh viện dễ dàng thiết kế đặt một đường truyền trực tuyến để trao đổi. Các dữ liệu y tế như hình ảnh từ máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI - Magnetic Resonnance Imaging), máy X-quang số, máy chụp mạch máu, máy siêu âm… hiển thị gần như tức thì trên đường truyền. Với hình thức trực tuyến như vậy, các bác sĩ ở các bệnh viện khác nhau đều được trao đổi như đang ngồi trong cùng một phòng họp. Đây cũng là cách đào tạo bác sĩ tuyến dưới hiệu quả nhất”.
Giải pháp giảm tải bệnh viện
Nhóm nghiên cứu cho biết, chẩn đoán trực tuyến không phải là giải pháp quá mới tại Việt Nam. Hiện giải pháp này đã được ứng dụng tại một số bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TPHCM). Tuy nhiên đa phần các hệ thống kể trên mới chỉ dừng lại ở video conference, tức trao đổi với nhau thông qua camera IP. Dữ liệu bệnh án bệnh nhân chỉ có thể chuyển lên đường truyền thông qua phát fax, scan hoặc kính hiển vi... nên hình ảnh không sắc nét.
Ngoài ra, các hệ thống phải chạy trên đường truyền cáp quang hoặc các đường truyền dùng riêng nên tốn nhiều kinh phí. Trong khi đó, với hệ thống của iNext, ở bất kỳ đâu, vào thời điểm nào, chỉ cần một đường truyền Internet thông thường, các bác sĩ đã có thể tham gia chẩn đoán.
TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết ứng dụng hệ thống giúp các bệnh viện tuyến trên có thể hội chẩn với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Trên thực tế, có nhiều ca bệnh nặng, khi được chuyển lên tuyến trên thì cơ hội sống sót không cao. Tuy nhiên, nếu để ở tuyến địa phương, việc chẩn đoán, điều trị lại cần đến kiến thức kinh nghiệm của các chuyên gia…
Song song đó, đề án nâng cao chất lượng y tế địa phương và giảm tải bệnh viện trung ương, từ năm 2008, Bộ Y tế đã thực hiện đề án 1816 gồm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại chỗ, hỗ trợ nhân lực cho các bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện đề án này còn có nhiều hạn chế.
Theo đại diện các bệnh viện, do tuyến trên quá tải nên việc điều động cán bộ về tuyến cơ sở gần như rất ít. Trong khi đó, các bác sĩ được điều động không phải lúc nào cũng chuyên nhiều bệnh khác nhau... Chính vì vậy, bác sĩ Phú khẳng định về lâu dài, ứng dụng thành công hệ thống này sẽ là giải pháp hiệu quả để nâng chất lượng bệnh viện tuyến dưới và giảm tải bệnh viện tuyến trên.
Đại diện Sở KH-CN TPHCM cũng cho biết, hệ thống tổng đài IP và video conference Bách khoa bước đầu sẽ thử nghiệm tại Bệnh viện Nhân dân 115 đến hết năm 2014. Nếu ổn định sẽ tiếp tục triển khai tại Bệnh viện quận 7, Bệnh viện quận 12 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.
Nguồn: SGGP