Đánh giá hàm lượng công nghệ trong sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa hóa công nghiệp ô tô Việt Nam
27/02/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong báo cáo này, tác giả Phạm Xuân Mai trình bày phương pháp đánh giá hàm lượng công nghệ trong sản xuất qua đó tìm ra những công nghệ phù hợp cho công tác nội địa hóa từng sản phẩm, từng giai đoạn phát triển sản xuất, đã ứng dụng thực tế tại Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco).
Ban Khoa học kỹ thuật và công nghệ Thaco đã tiến hành đánh giá thử nghiệm hàm lượng công nghệ của một dây chuyền hàn thùng tải lửng tại công ty cơ khí của Khu phức hợp Chu Lai, đây là một dây chuyền quan trọng của quá trình sản xuất xe tải, đang có một số vấn đề bất cập về công nghệ. Các kết quả đánh giá hàm lượng công nghệ tại dây chuyền này cho thấy, hàm lượng công nghệ tại dây chuyền hàn còn thấp, trọng số cường độ đóng góp của 2 thành phần là kỹ thuật và con người cao hơn nên cần chú trọng nâng cao 2 thành phần này, cần tiến hành kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm đầu ra, trình độ cơ khí hóa, tự động hóa trong dây chuyền còn yếu…
Việc đánh giá hàm lượng công nghệ trong sản xuất của Thaco nhằm hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh nội địa và khu vực cho các dòng xe chủ lực của Thaco; áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ, đầu tư, quản lý, ứng dụng khoa học để có chuyển dịch cơ bản từ năng suất, công nghệ thấp, chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp sang năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghệ có hàm lượng khoa học cao, tăng giá trị nội địa hóa và giảm chi phí, tăng giá trị gia tăng sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chủ lực…
Kết quả đánh giá thử nghiệm hàm lượng công nghệ trên dây chuyền hàn ở nhà máy cơ khí dùng để tiếp tục điều chỉnh một số vấn đề về công nghệ trên dây chuyền và trong nhà máy. Mặt khác cho phép công ty tiếp tục nghiên cứu các hệ số, trọng số và phương pháp tính toán để thích ứng hóa và phù hợp hóa phương pháp luận Atlas vào thực tiễn của các công ty của Thaco trong tương lai. Đây cũng là cơ sở bước đầu để xây dựng mô hình quản trị công nghệ tại Khu Phức hợp Chu Lai.
LV (nguồn: HN KH&CN ĐH Bách khoa TP.HCM lần 13)