Các biện pháp nâng cao khả năng sử dụng tài nguyên nước mưa tại TP. HCM
20/02/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm nghiên cứu Trương Văn Hiếu (Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam) và Trần Đình Phương (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) nghiên cứu phân tích đặc điểm, tiềm năng mưa và tính toán quy mô hệ thống thu trữ nước mưa với 3 thành phần cơ bản là mái hứng, đường dẫn nước và bể chứa.
Các kết quả nghiên cứu về tiềm năng nước mưa cho thấy tính biến động của lượng mưa rơi trong năm là rất lớn và những cơn mưa cường độ cao chiếm tỷ trọng lớn trong lượng mưa năm nên việc cân bằng thu – trữ nhằm tạo cơ sở nâng cao việc sử dụng nước mưa trong tình hình hiện nay là rất cần thiết, nhất là vùng nguồn nước bị nhiễm mặn.
Các kết quả cũng cho thấy lượng nước hứng được từ mưa trên địa bàn TP. HCM có khả năng phục vụ mức độ nhu cầu nước sinh hoạt của từng hộ dân, nếu có sự quan tâm của cộng đồng sẽ là nguồn tài nguyên được tái tạo rất quý giá. Do hệ thống sử dụng nước mưa phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người sử dụng nên cần có chính sách hỗ trợ tối đa đối với các hộ có thu nhập thấp.
Diện tích mái hứng và dung tích bể chứa mang tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống sử dụng nước mưa là yếu tố tạo nên giá thành và những hạn chế lớn khi diện tích mặt bằng bị hạn chế, tuy nhiên tình hình thực tế hiện nay cho thấy giá trị đầu tư mái hứng và bể chứa khá phù hợp với điều kiện kinh tế của phần đông hộ dân.
Các loại mái hứng đang được sử dụng phổ biến trong hệ thống thu trữ nước mưa hiện nay là mái hứng bằng vải bạt nhựa, tôn lợp, ngói hay sàn bê tông… Màn vải nhựa bạt có dàn thu gọn trong hứng nước mưa (rất thịnh hành trên thị trường) mang ưu điểm về mùa khô có thể cuộn lại để tránh ô nhiễm về bụi, xác động thực vật trong quá trình lắng đọng khô.
Một số nhóm biện pháp chính được đề xuất để nâng cao khả năng khai thác nước mưa gồm tăng cường hệ thống thu hoạch nước tại các hộ gia đình; phát triển hệ thống nước mưa ở các chung cư, trường học, công sở, cơ sở công nghiệp (có mái hứng lớn); thiết kế bố trí các hệ thống nước mưa tại các khu vực công cộng; quy hoạch xây dựng các hồ điều hòa, hồ cảnh quan.
LV (nguồn: HN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần 1)