Bình Phước: Nghiên cứu, khảo sát, lập bản đồ di chỉ khảo cổ học
11/04/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, khảo sát, lập bản đồ di chỉ khảo cổ học tỉnh Bình Phước”. Chủ nhiệm đề tài Lê Văn Quang (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước) phối hợp cùng các cộng sự tại Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ và Bảo tàng tỉnh Bình Phước thực hiện.
Những năm qua, tại Bình Phước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng trăm di tích với nhiều loại hình khác nhau, hầu hết là loại hình di tích đất đắp tròn, phần lớn ẩn khuất dưới những tán cao su của các đồn điền. Đây là các di tích rất đặc biệt, có thể quan sát trên mặt đất bằng mắt thường với các vòng đất đắp cao và các hào sâu, tạo thành các đường tròn dạng di tích có phòng ngự của cộng đồng cư dân cổ. Đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 25 di tích loại này.
Những di tích đất đắp dạng tròn nêu trên tiềm ẩn nguy cơ bị phá huỷ cao nên việc thực hiện Đề tài nghiên cứu này nhằm tạo lập bản đồ phân bố các di tích để địa phương dễ dàng quản lý và bảo vệ.
Một trong những đóng góp lớn nhất của đề tài là đã thiết lập được bản đồ khảo cổ và xây dựng hệ thống GIS để quản lý các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Bản đồ được xây dựng theo các quy chuẩn hệ toạ độ quốc gia, khi được trích xuất từ hệ thống GIS in ra bản đồ giấy sẽ chứa đựng các thông tin về địa điểm khảo cổ, địa giới hành chính, hệ thống đường giao thông, thuỷ văn, đường bình độ. Các bản đồ in theo tỷ lệ phù hợp cho từng cấp độ (tỉnh, huyện) và có độ chính xác cao hơn. Thông qua thiết bị định vị toàn cầu (GPS) chúng ta có thể tính toán quy mô, diện tích một cách dễ dàng.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện thêm 10 di tích đất đắp dạng tròn mới ở các huyện: Lộc Ninh (2), Bù Đốp (2), Bù Gia Mập (5) và Hớn Quản (1). Các di tích mới này cũng được quy hoạch phạm vi phân bố bằng thiết bị GIS tương tự các di tích cũ.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả của đề tài. Đề tài có ý nghĩa thiết thực đối với công tác bảo tồn và quản lý các di tịch văn hoá của Bình Phước. Việc xây dựng được bản đồ di chỉ khảo cổ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu cũng như tìm hiểu về các di tích văn hoá đối với các nhà khoa học đến với Bình Phước. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu còn có giá trị học thuật và văn hoá đối với vùng đất Đông Nam Bộ nói chung và Bình Phước nói riêng.
Nguồn: Sở KH&CN Bình Phước