Phân tích mối quan hệ di truyền và nhận diện các dòng vô tính cao su bằng chỉ thị ISSR
14/07/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Hoàng Thị Liễu, Lại Văn Lâm, Lê Mậu Túy đến từ Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam và Bùi Minh Trí đến từ Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM thực hiện nhằm góp phần hỗ trợ công tác lai tạo giống cao su, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu ISSR tham chiếu cho việc nhận dạng 10 dòng vô tính cao su (Hevea brasiliensis) để phục vụ cho công tác quản lý tập đoàn giống trong nghiên cứu và sản xuất.
ISSR (Inter – simple sequence repeats) là chỉ thị phân tử được sử dụng phổ biến trong phân tích tính đa dạng di truyền và nhận diện giống trên nhiều loại cây trồng. Đây là công cụ phân tử có nhiều ưu điểm về sự đa hình, cho sản phẩm lặp lại được và có khả năng phân biệt các cá thể có quan hệ di truyền gần gũi.
Nghiên cứu này đã sử dụng chỉ thị ISSR để phân tích mối quan hệ di truyền và nhận diện 10 dòng vô tính cao su (Hevea brasiliensis) đang sử dụng phổ biến trong nghiên cứu và sản xuất.
Dựa trên việc phân tích khoảng cách di truyền, 10 dòng vô tính cao su nghiên cứu có quan hệ di truyền gần nhau với hệ số tương đồng di truyền trung bình là 0,873, tuy nhiên giữa chúng vẫn có sự khác biệt trên một số locus (vị trí của gen trên nhiễm sắc thể).
Kết quả phân nhóm di truyền cho thấy, 10 dòng vô tính được chia làm 4 nhóm và sự phân bố các dòng vô tính ở các nhóm có liên quan đến phổ hệ và xuất xứ của chúng. Dữ liệu dạng hình ảnh băng ADN của 10 dòng vô tính nghiên cứu với 6 mồi ISSR đa hình cho phép nhận diện các dòng vô tính này dựa trên các băng đặc trưng.
MN (Nguồn: Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, số 3+4/2014)