Nghiên cứu tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase in vitro của cây cần tây
06/08/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thùy Dương (Trường Đại học Dược Hà Nội) tiến hành nghiên cứu tác dụng ức chế xanthin oxidase in vitro của dịch chiết ethanol toàn phần và các phân đọan dịch chiết từ cây cần tây nhằm làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về tác dụng sinh học để nâng cao giá trị sử dụng của dược liệu nay theo định hướng phòng và điều trị bệnh gút.
Xanthin osidase (XO) là enzym tham gia vào giai đoạn cuối của quá trình chuyển hóa các protein nhân purin trong cơ thể. Enzym này xúc tác phản ứng oxy hóa xanthin thành acid uric. Hoạt động quá mức của xanthin oxidase dẫn tới tăng acid uric máu và có liên quan chặt chẽ tới bệnh gút – loại bệnh biểu hiện bằng những cơn sưng đau dữ dội khớp, đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái.
Cần tây (Apium graveolens L.) là loại rau ăn được trồng phổ biến trên thế giới, đồng thời được biết đến như là một cây thuốc ở một số quốc gia để chữa bệnh gút và các bệnh về khớp cho hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, tác dụng điều trị bệnh của cần tây cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu ở Việt Nam.
Nghiên cứu này tiến hành với cây cần tây được thu hái tại xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Dịch chiết ethanol toàn phần và các phân đoạn dịch chiết từ hạt cần tây và bộ phận trên mặt đất cây cần tây được đánh giá tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase in vitro. Kết quả cho thấy, phân đoạn chloroform và phân đoạn ethyl acetat từ hạt cần tây và từ bộ phận trên mặt đất của cây cần tây đều thể hiện tác dụng ức chế XO in vitro một cách rõ rệt ở cả 3 nồng độ thí nghiệm (p< 0,01). Dịch chiết ethanol toàn phần hạt cần tây và dịch chiết ethanol toàn phần bộ phần trên mặt đất của cây cần tây chỉ thể hiện tác dụng ức chế XO ở 2 nồng độ cao là 50µg/ml và 100µg/ml (p<0,05). Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam công bố về tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase của cây cần tây.
MN (nguồn: Tạp chí Dược học, số 456/2014)