Hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp của các hộ gia đình ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
14/10/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Tác giả Dương Viết Tân (Trường Đại học Nông Lâm Huế) tiến hành nghiên cứu thực trạng về quỹ đất để đánh giá hiệu quả sản xuất của các hộ gia đình tham gia trồng rừng tại xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Số lượng mẫu điều tra là 90 hộ đại diện cho 2 nhóm hộ (nhóm 1 có diện tích đất trồng rừng nhiều, đã sinh sống lâu năm; nhóm 2 là các hộ mới định cư sau năm 2000). Phương pháp chọn hộ ngẫu nhiên dựa theo danh sách của trưởng thôn. Thông tin thứ cấp thu thập từ UBND xã Bình Thành, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng NN&PTNN, Hạt kiểm lâm thị xã Hương Trà, Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Phát triển Lâm nghiệp của Sở NN&PT tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông tin sơ cấp là kết quả phỏng vấn người am hiểu gồm trưởng phòng kế hoạch Lâm trường Tiền Phong, công ty Vật tư Nông nghiệp, kiểm lâm địa bàn, phó chủ tịch xã, cán bộ địa chính xã và các thôn trưởng. Câu hỏi phỏng vấn là câu hỏi mở.
Qua phân tích, thu nhập của các hộ gia đình ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào trồng rừng là chủ yếu (chiếm 96,6%). Các hộ đang sở hữu 3 loại hình sử dụng đất: (1) đất ở và đất vườn liền canh, 100% số hộ được cấp sổ đỏ vĩnh viễn; (2) đất trồng trọt, 87,6% hộ có và được cấp sổ đỏ trong 20 năm; (3) đất trồng rừng, 100% hộ được giao đất và cấp sổ đỏ 50 năm. Ngoài ra có 43,3% hộ còn nhận khoán thêm đất lâm trường.
Diện tích đất sản xuất của nông hộ tập trung chủ yếu vào rừng trồng keo lai (bình quân 4,61 ha/hộ) và cao su (bình quân 1,27 ha/hộ). Loại hình sử dụng đất để trồng keo lai chiếm tỷ trọng lớn nhất (76,16%). Xu hướng chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất của nông hộ từ năm 2010-2012 là tăng diện tích đất trồng keo lai và giảm diện tích đất trồng cao su.
Nghiên cứu cho thấy trồng rừng là hoạt động chính trong sản xuất và tạo thu nhập cao 59,789 triệu đồng/ha/chu kỳ 6 năm (lợi nhuận tương ứng là 48,156 triệu đồng), đóng vai trò tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình vùng nông thôn miền núi các tỉnh miền Trung.
TN (nguồn: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 3/2014)