Ảnh hưởng của tác nhân môi trường lên số lượng trứng phóng ra và tỷ lệ thụ tinh của rong mơ gai
13/10/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Một trong những phương pháp gây giống trong nuôi trồng rong mơ là sản xuất cây con bằng cách nuôi hợp tử. Nhóm tác giả đến từ Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang (VAST) đã nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường lên số trứng thu được, tỷ lệ thụ tinh của rong mơ gai nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất giống rong mơ, cung cấp nguồn giống phục hồi các bãi rong mơ đang suy thoái ở Việt Nam.
Nguyên liệu tiến hành nghiên cứu là rong mơ gai bố mẹ lấy từ sông Lô, Nha Trang, có mang thỏi sinh sản đã thành thục (dài 1-1,5cm). 15 thỏi sinh sản cái và 15 thỏi sinh sản đực chọn từ cây rong bố mẹ được cọ bằng chổi mịn và rửa trong nước biển đã lọc qua lưới phytoplanton nhiều lần, sau đó đặt trong đĩa petri đường kính 10 cm có chứa 20 ml nước biển để nghiên cứu. Các nhân tố môi trường ảnh hưởng đến quá trình phóng trứng của rong mơ được phân tích bao gồm: thời gian phơi khô, độ mặn, nhiệt độ, thời gian thu trứng trong ngày, theo ngày. Số lượng trứng phóng ra ở các điều kiện khác nhau được đánh giá và so sánh.
Kết quả cho thấy, số lượng trứng phóng ra nhiều nhất ở điều kiện: rong phơi khô trong bóng râm 30 phút, thu trứng vào buổi sáng từ 6 đến 10 giờ trong 1 tuần liên tục, kết hợp với tác động cơ học, độ mặn nước biển 30-40% và nhiệt độ 25-30 độ C. Nghiên cứu cũng cho thấy phương pháp thu thập trứng có tác động cơ học không ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh của trứng.
Rong mơ - tên khoa học là Sargassum - thuộc ngành rong nâu, có giá trị kinh tế rất lớn. Rong mơ có rất nhiều công dụng, trong y học dùng làm keo bao viên thuốc, làm chỉ khâu vết mổ; trong công nghiệp dùng làm chế phẩm in hoa, hồ vải, dán gỗ, làm tơ nhân tạo, làm diêm; trong nông nghiệp dùng pha chế thuốc trừ sâu và phân bón. Ăn rong mơ biển còn có thể ngừa và trị bướu cổ.
TN (nguồn: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 3/2014)