Đặc điểm lâm học và một số biện pháp phục hồi rừng trên trạng thái Ic tại một số tỉnh miền núi phía Bắc
08/10/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Trần Quốc Hưng, Nguyễn Thị Thu Hoàn (ĐH Nông lâm – ĐH Thái Nguyên) thực hiện nhằm đánh giá đặc điểm lâm học cơ bản trên trạng thái Ic từ đó đề xuất một số giải pháp kỹ thuật phục hồi rừng cho trạng thái Ic tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang và Sơn La.
Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra trên 72 ô tiêu chuẩn cho thấy, tổ thành cây tái sinh đơn giản 16-20 loài, số lượng tham gia trong công thức tổ thành từ 4-10 loài, đã xuất hiện một số ít loài cây có mục đích như Kháo, Hu đay, Thẩu tấu, Thành ngạnh, Vối thuốc… cần duy trì và phát triển để phục hồi thành rừng.
Mật độ cây tái sinh trạng thái Ic trung bình 3541 cây/ha, số cây tái sinh cao nhất tập trung nhiều nhất ở cỡ chiều cao 1-2m (33,88%). Tỷ lệ cây tái sinh triển vọng thấp chiếm 36,65% mật độ cây tái sinh. Tỷ lệ cây tái sinh tốt chiếm 40,77%, trung bình 33,95%, xấu là 16,72%. Hầu hết cây tái sinh có nguồn gốc từ hạt 83,3%.
Căn cứ vào đặc điểm lâm học khởi đầu, đặc trưng của từng thảm thực vật trạng thái Ic, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm phục hồirừng trạng thái Ic bằng 2 biện pháp xúc tiến tái sinh tự nhiên và xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung. Trên cơ sở đề xuất giải pháp, đề tài đã thử nghiệm mô hình, bước đầu mô hình áp dụng được đánh giá mang lại hiệu quả nhất định, kết quả theo dõi đánh giá mô hình là cơ sở để xây dựng quy trình lâm sinh phục hồi rừng tại khu vực nghiên cứu và các vùng có cùng điều kiện.
LV (nguồn: TC KH&CN Nông-Sinh-Y, ĐH Thái Nguyên, số 5-2014)