Ứng dụng kỹ thuật ngược trong thiết kế và kiểm tra các sản phẩm cơ khí cấu thành từ các bề mặt tự do
15/09/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Các tác giả Bùi Ngọc Tuy (ĐH Bách khoa Hà Nội) và Phạm Văn Huân (Cty TNHH Reverse Engineering Optis) nghiên cứu xây dựng quy trình chung ứng dụng kỹ thuật ngược trong quá trình thiết kế ngược và quá trình kiểm tra độ chính xác hình học của sản phẩm cơ khí cấu thành từ các bề mặt tự do. Các quy trình này được thực nghiệm kiểm chứng bằng mô hình cánh quạt chip của máy tính với sự hỗ trợ của các phần mềm kỹ thuật ngược Rapidform và Geomagic.
Trong nghiên cứu này, mô hình mẫu thí nghiệm là chi tiết cánh quạt chip trong case máy tính. Chi tiết này có bề mặt cánh là bề mặt cong tự do với cấu trúc cục bộ lõm, elip. Quy trình thực nghiệm kỹ thuật ngược được tiến hành theo 4 bước: số hóa bề mặt mẫu; thiết kế lại bằng phần mềm Rapidform; ứng dụng công nghệ CAD/CAM/CNC gia công mẫu; kiểm tra bề mặt mẫu gia công bằng phần mềm Geomagic.
Với sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng về kỹ thuật ngược như Rapidform, Geomagic cho phép xác định được sai số trong quá trình thiết kế ngược và đánh giá, kiểm tra sai số sản phẩm sau khi chế tạo xong. Sai số trong quá trình quát mẫu phụ thuộc vào từng loại máy quét và có thể đạt được độ chính xác 0.05mm – 0.1mm. Sai số thiết kế lại bằng Rapidform có thể đạt được khoảng ± 0.1mm. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao đối với các chi tiết được cấu thành từ các bề mặt tự do như cánh quạt, cánh turbine…
LV (nguồn: TC Cơ khí VN, số 3-2014)