SpStinet - vwpChiTiet

 

Thực trạng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của các bà mẹ vùng Duyên hải Nam Trung bộ

Tác giả Nguyễn Tuấn Hưng và cộng sự (Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế) thực hiện nghiên cứu này nhằm mô tả thực trạng nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) của các bà mẹ vùng Duyên hải Nam Trung bộ; xác định những hạn chế và đề xuất giải pháp cải thiện việc cung cấp dịch vụ tại các địa phương này.

Nghiên cứu tiến hành từ tháng 6/2013 – 3/2014 tại 8 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ là Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi.

Kết quả cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 của 8 tỉnh có khoảng 2,7 triệu người (chiếm 30% số dân). Trong số 940 phụ nữ tham gia nghiên cứu, có 15,32% không biết chữ, 11,6% chỉ biết đọc, biết viết. Tỷ lệ khám thai 3 lần đúng 3 kỳ của phụ nữ có thai có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ đến trạm y tế xã sinh đẻ lần có thai gần đây nhất là 20,53%. Không đến cơ sở y tế để sinh đẻ: tỉnh Quảng Ngãi chiếm tỷ lệ cao nhất (7,02%) với lý do chung là tập quán (chiếm tỷ lệ cao nhất 32,73%); đi lại khó khăn do điều kiện địa lý 24,45%; xa cơ sở y tế 18,18%; không có tiền đến cơ sở y tế 9,09%. Tỷ lệ bà mẹ được chăm sóc sau đẻ cao (81,17%); tỷ lệ phụ nữ không được khám phụ khoa là 11,28%. Các rào cản ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ SKSS của các bà mẹ người dân tộc thiểu số là: về phía đối tượng cung cấp dịch vụ, năng lực chuyên môn nguồn nhân lực y tế, trang thiết bị, chính sách đầu tư, chính sách chế độ đối với cán bộ y tế còn nhiều bất cập, phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu công việc; về phía đối tượng sử dụng dụch vụ, trình độ văn hóa, nhận thức/hành vi, phong tục tập quán, địa lý, giao thông đi lại…

Nhìn chung, công tác CSSKSS cho các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ tại 8 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ đã đạt kết quả khá tốt trong các dịch vụ chăm sóc và quản lý thai nghén, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản liên quan tới khả năng tiếp cận dịch vụ cho các bà mẹ là người dân tộc thiểu số.

Vì vậy, cần kiện toàn hệ thống mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSKSS trong đó có tuyến cơ sở; tăng cường đào tạo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến cung cấp dịch vụ y tế nói chung và CSSKSS nói riêng; tăng cường tuyên truyền cho người dân tại nơi còn tồn tại phong tục đẻ tại nhà; rà soát đánh giá kiện toàn hệ thống mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSKSS tại địa phương; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế…
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4-2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả