Xác định Zn và Mn trong chè xanh Thái Nguyên bằng phương pháp F-AAS
19/01/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Thái Nguyên là khu vực sản xuất chè và có nhiều khu công nghiệp, khai thác khoáng sản. Nguồn đất, nước sản xuất nông nghiệp ở gần khu công nghiệp, khai khoáng thường bị ô nhiễm kim loại nặng. Do đó việc kiểm tra mức độ ô nhiễm chè xanh bởi kim loại nặng là đặc biệt cần thiết.
Nhóm tác giả Nguyễn Đăng Đức, Nguyễn Tô Giang (ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên) và Đỗ Thị Nga (ĐH CNTT & Truyền thông - ĐH Thái Nguyên) đã thực hiện nghiên cứu nhằm xác định hàm lượng kẽm (Zn) và mangan (Mn) trong chè xanh của 7 khu vực thuộc tỉnh Thái Nguyên bằng phương pháp phân tích phổ hấp thụ nguyên tử (F-AAS).
Kết quả, hàm lượng kẽm trong mẫu chè tại các khu vực đều nhỏ hơn giới hạn cho phép (40 mg/kg). Hàm lượng mangan trong các mẫu chè cũng nhỏ hơn so với hàm lượng an toàn (26,2225 mg/kg). Riêng tại hai địa điểm Hồng Tiến - Phổ Yên và Minh Lập - Đồng Hỷ, hàm lượng mangan trong chè lớn hơn so với mẫu an toàn là 1,10 và 1,06 lần, tuy nhiên mức độ này vẫn chưa ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
TN (nguồn: TC KH&CN - Chuyên san KHTN & Kỹ thuật, số 6/2014)