Thực trạng hoạt động của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.Hà Tĩnh giai đoạn 2010-2012
17/10/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Hà Tĩnh là thành phố mới có tốc độ phát triển đô thị và công nghiệp hóa nhanh, tạo áp lực lớn cho hoạt động của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ). Nhóm tác giả đến từ trường CĐ Cộng đồng Lào Cai và ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên đã tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng nhằm đề xuất giải pháp cải thiện và nâng cao hiệu suất hoạt động của văn phòng.
Số liệu nghiên cứu được thu thập từ phiếu điều tra khảo sát thông tin; tài liệu về hiện trạng sử dụng đất và tình hình quản lý sử dụng đất của thành phố Hà Tĩnh từ năm 2010-2012. Phiếu điều tra bao gồm 21 chỉ tiêu chính ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của VPĐKQSDĐ: (1) nghề nghiệp, (2) trình độ văn hóa, (3) nhân khẩu, (4) diện tích đất nông nghiệp, (5) nguồn gốc đất nông nghiệp, (6) diện tích đất ở, (7) nguồn gốc đất ở, (8) hiện trạng pháp lý, (9) người sử dụng đất có liên hệ với VPĐKQSDĐ, (10) nội dung giao dịch, (11) tài liệu được niêm yết công khai, (12) cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công việc, (13) thời gian đến giao dịch, (14) mức độ giao dịch, (15) thái độ nơi tiếp nhận hồ sơ, (16) mức độ hướng dẫn, (17) lệ phí ngoài quy định, (18) lệ phí phải đóng, (19) khó khăn khi giao dịch, (20) nhận xét về mô hình VPĐKQSDĐ, (21) ý kiến khác. Số liệu điều tra được xử lý trên phần mềm chuyên dụng PRIMER 5.0.
Kết quả phân tích cho thấy, nhóm các yếu tố: nội dung đến giao dịch; thái độ của tổ tiếp nhận hồ sơ; người sử dụng đất có liên hệ với VPĐKQSDĐ; mức độ công khai và hướng dẫn cho người dân; trình độ nhận thức của đối tượng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của VPĐKQSDĐ. Đây là các yếu tố quan trọng cần được chú trọng giải quyết tại địa phương.
VPĐKQSDĐ đóng vai trò rất lớn trong công tác quản lý nguồn tài nguyên đất đai. Quy trình hoạt động của VPĐKQSDĐ được thực hiện theo quy định nhưng ở mỗi địa phương lại gặp phải những khó khăn với đặc thù riêng. Việc tìm hiểu thực trạng hoạt động của VPĐKQSDĐ để tìm ra điểm hạn chế, xác định đối sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho từng địa phương cụ thể là hết sức cần thiết.
TN (nguồn: Tạp chí KH&CN - Chuyên san Nông, Y, Sinh, số 1/2014)