Ảnh hưởng các mức ăn khác nhau trong khẩu phần ăn của bò đang tiết sữa đến lượng thức ăn ăn vào, tỷ lệ tiêu hóa, khả năng sản xuất và phát thải mêtan
14/03/2016
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, trung bình mỗi ngày một con bò phát thải ra khoảng 250 – 500 lít khí mêtan (tùy thuộc vào giống tuổi, sức sản xuất) gây ảnh hưởng tới môi trường. Hiện nay, nhờ phương pháp thay đổi mức ăn trong khẩu phần ăn như tăng tỷ lệ thức ăn tinh, thay đổi cấu trúc xơ của khẩu phần, sử dụng thức ăn ủ chua, bổ sung các chất (lipid, acid hữu cơ…) trong khẩu phần đã làm giảm phát thải khí mêtan ở dạ cỏ của gia súc nhai lại.
Từ các kết quả trên, các tác giả Trần Hiệp, Nguyễn Ngọc Bằng (khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Vũ Chí Cương, Chu Mạnh Thắng (Viện Chăn nuôi) đã tiến hành nghiên cứu “Ảnh hưởng các mức ăn khác nhau trong khẩu phần ăn của bò đang tiết sữa đến lượng thức ăn ăn vào, tỷ lệ tiêu hóa, khả năng sản xuất và phát thải mêtan”.
Nghiên cứu được tiến hành trên giống bò Holstein Friesian (HF) thuần đang cho sữa ở tháng tiết sữa 3 – 6. Kết quả cho thấy, lượng chất khô thu nhận ở các mức ăn khác nhau đạt 2,65% ở khẩu phần KP80, 3,23% ở khẩu phần KP100 và 3,76% ở khẩu phần KP120. Mức ăn tỷ lệ thuận với tốc độ tăng khối lượng và năng suất sữa nhưng tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến các chất dinh dưỡng trong khẩu phần. Mức ăn tỷ lệ thuận với tổng lượng phát thải mêtan nhưng tỷ lệ nghịch với cường độ phát thải khí mêtan. Lượng năng lượng mất đi qua mêtan giảm dần theo mức ăn tăng dần, dao động từ 7,13% xuống còn 5,83%.
Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được ảnh hưởng của mức ăn đến năng suất chăn nuôi, lượng phát thải và cường độ phát thải khí mêtan của bò đang tiết sữa. Nghiên cứu giúp người chăn nuôi có kế hoạch hiệu chỉnh khẩu phần phù hợp với đặc điểm sinh lý của gia súc, đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Công nghiệp Chăn nuôi, tháng 1/2016