SpStinet - vwpChiTiet

 

Dự báo mức độ ô nhiễm nhiệt vùng biển ven bờ huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Trong nghiên cứu này, các tác giả Nguyễn Thị Thụy Hằng (Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), Nguyễn Kỳ Phùng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tính toán lan truyền nhiệt trong nước biển khu vực ven bờ huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bằng mô hình ba chiều MIKE 3 FM qua hai kịch bản: kịch bản mùa gió Đông Bắc và kịch bản mùa gió Đông Nam.

Dự án nhà máy nhiệt điện Vân Phong ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa dự kiến được khởi công xây dựng vào tháng 8/2015 và đi vào hoạt động vào tháng 10/2019 sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao cho tỉnh Khánh Hoà và các tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên, nguồn nước thải sau khi làm mát có nhiệt độ cao hơn so với nhiệt độ nước môi trường sẽ là mối lo ngại về vấn đề ô nhiễm nhiệt và ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới nước của vùng lân cận. Nghiên cứu này ứng dụng mô hình MIKE 3 để tính toán chế độ dòng chảy ba chiều và dự báo mức độ, phạm vi ảnh hưởng do nước thải hệ thống làm mát khi nhà máy đi vào hoạt động đến vùng ven bờ khu vực huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, có sự ảnh hưởng của gió và thủy triều đến dòng chảy và mối liên hệ giữa dòng chảy và quá trình lan truyền nhiệt. Nhiệt độ nước biển thay đổi theo không gian và thời gian phụ thuộc vào độ sâu và vận tốc dòng chảy. Tại khu vực nghiên cứu, hướng dòng chảy vào hai mùa gió gần như trái ngược nhau nên xu hướng lan truyền nhiệt cũng khác nhau.

Kết quả phân tích, so sánh nhiệt độ nước thải từ nhà máy nhiệt điện Vân Phong với các quy chuẩn cho thấy: theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 24:2009/BTNMT), nhiệt độ nước thải trong hai mùa gió đều đạt chuẩn; theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ (QCVN 10:2008/BTNMT), nhiệt độ giới hạn cho vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và vùng bãi tắm, thể thao dưới nước là 300C, và vùng quanh khu vực cửa xả đều vượt giới hạn cho phép. Vào mùa gió Đông Bắc, cách cửa xả khoảng 2.200 m về phía đông và khoảng 1.200 m về phía nam, nhiệt độ nước đều vượt chuẩn. Vào mùa gió Đông Nam, khu vực phía nam hòn Mỹ Giang, nhiệt độ nước cũng vượt chuẩn.

Theo kết quả tính toán, nhiệt độ nước lớn nhất tại cửa xả nước làm mát trong mùa gió Đông Bắc và gió Đông Nam là 36,890C và 36,960C. Phạm vi ảnh hưởng nhiệt nước làm mát vào mùa gió Đông Bắc lớn hơn so với gió Đông Nam, nhưng nhìn chung có xu hướng giảm khi xuống lớp đáy. Vào mùa gió Đông Bắc hay gió Đông Nam, khi triều dâng hay triều rút, khu vực ven bờ phía Bắc và Nam nhà máy đều bị ảnh hưởng bởi nhiệt nước làm mát. Nhiệt độ nước biển luôn cao hơn nhiệt độ nước môi trường, vì vậy đời sống sinh vật ở khu vực này sẽ bị ảnh hưởng.

Nghiên cứu này là một nội dung của đề tài “Điều tra điều kiện hải văn, động lực khu vực Mỹ Giang - Hòn Đỏ - Bãi Cỏ (thuộc xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường Khu Kinh tế Vân Phong” do PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng là chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của nhiệt nước làm mát khi nhà máy đi vào hoạt động và góp phần hỗ trợ trong việc thực hiện các nghiên cứu về sinh thái, môi trường.
LV (HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả