Sử dụng công nghệ bao tải đất làm móng mặt đường
12/05/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
ThS. Nguyễn Thị Loan (Khoa Công trình, Đại học Công nghệ GTVT) giới thiệu kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm việc sử dụng công nghệ "Do-nou" (bao tải đất) để làm lớp móng mặt đường giao thông nông thôn. Công nghệ "Do-nou" hay còn gọi là "bao tải đất - soilbag" hoặc "bao tải cát-sandbag" là công nghệ gia cường vật liệu hạt rời như đất, cát, đá dăm, phế liệu xây dựng,... bằng cách đựng chúng trong một kết cấu kín dạng túi, nhằm tăng cường độ chịu nén và sức kháng cắt của vật liệu hạt. Vật liệu vỏ bao thông dụng gồm 2 loại, PE (polyethylene) và PP (polypropylene), ở Việt Nam còn gọi là bao tải dứa.
Thi công đường bằng công nghệ túi đất tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: VT)
Trước đây, công nghệ này chủ yếu được áp dụng cho các kết cấu tạm thời như làm đê ngăn lũ, làm các kết cấu phụ trợ trong xây dựng, chẳng hạn làm đường tạm..., ít khi dùng cho các kết cấu lâu dài. Lý do là chúng có xu hướng nhanh hỏng khi chịu tác động trực tiếp và lâu dài của ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, khi sử dụng bao tải đất đúng cách để gia cường cho nền đất yếu thì khả năng chịu tải của nền đất tăng lên rất ấn tượng (hơn 10% so với kết cấu bê tông) và tuổi thọ đạt trên 50 năm.
Tác giả đã tiến hành thực nghiệm sử dụng bao tải đất làm móng mặt đường trên một đoạn đường 200m tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội, từ đó đánh giá hiệu quả kỹ thuật và kinh tế của công nghệ. Kết quả cho thấy, công nghệ "Do-nou" đơn giản về mặt thi công, phù hợp với các vùng hẻo lánh hoặc khó khăn về máy móc, phương tiện. Việc sử dụng công nghệ "Do-nou" giúp giảm độ lún tổng thể trên 30%, hoàn toàn không thất thoát vật liệu ở lớp móng và thất thoát không đáng kể ở lớp mặt. Ngoài ra, sức chịu kéo của vỏ bao sẽ được phát huy nếu được đầm nén đủ, vỏ bao căng và không bị phơi nắng trong quá trình khai thác.
TN (nguồn: TC Cầu Đường Việt Nam, số 12/2014)