Nghiên cứu phân vùng khí hậu Tây Nguyên
20/05/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nghiên cứu do TS. Hoàng Đức Cường (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương), PGS.TS Nguyễn Văn Thắng (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), KS. Hoàng Đức Hùng (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ),… thực hiện, là một phần kết quả của đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu điều kiện khí hậu, khí hậu nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng tránh thiên tai vùng Tây Nguyên”.
Theo đó, sơ đồ phân vùng khí hậu Tây Nguyên được xây dựng với các chỉ tiêu vùng lựa chọn là nhiệt độ trung bình 220C, lượng mưa năm chi phối tiểu vùng với các đường đẳng trị mưa 1.200, 1.600, 2.000, 2.400 và 2.800 mm. Dựa trên sự phân hóa của nhiệt độ và lượng mưa theo độ cao địa hình, Tây Nguyên được chia thành 5 vùng khí hậu chính (I, II, III, IV, V) và 11 tiểu vùng khí hậu.
Trong đó, vùng I khí hậu nhiệt đới núi cao với tần suất hạn năm 25-35% và phân ra 3 tiểu vùng I1, I2, I3; vùng II, nhiệt đới tiêu chuẩn, tần suất hạn năm phổ biến 25-40% với 5 tiểu vùng (I1, I2, I3, I4, I5); vùng III, khí hậu cao nguyên Buôn Ma Thuột với tần suất hạn năm dưới 35%; vùng IV, khí hậu cao nguyên núi cao Đắk Nông – Bảo Lộc – Đà Lạt – Liên Khương với tần suất hạn năm dưới 30%; vùng V, vùng khí hậu phía Tây Nam cao nguyên Đắk Nông – Bảo Lộc với tần suất hạn năm thấp, dưới 20%.
Việc xây dựng sơ đồ phân vùng khí hậu Tây Nguyên chỉ mang ý nghĩa tương đối, song phần nào phản ánh được quy luật phân hóa theo không gian và thời gian của các yếu tố khí hậu cơ bản như chế độ nhiệt, mưa ẩm…
LV (nguồn: Tạp chí Khí tượng thủy văn, 11/2014)