SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu ở Bình Định

Được hỗ trợ từ chương trình Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển vùng nông thôn, miền núi của Bộ KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định tiếp thu quy trình công nghệ sản xuất nấm từ Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), đến nay đã phân lập nuôi cấy, sản xuất được các loại giống nấm từ cấp 1 đến cấp 3 của 5 loại nấm: sò, trân châu, mộc nhĩ, rơm và linh chi.

Từ giống nấm cấp 3, Trung tâm đã cấy vào bịch phôi để trồng nấm thương phẩm. Bịch phôi có nguyên liệu chủ yếu từ mùn cưa phối trộn với cám gạo, bột bắp, bột nhẹ và một số phụ gia khác, sau đó đóng vào bịch nylon khoảng 1,5 kg, rồi đem hấp trong lò hấp hơi nước nhiệt độ cao, trong khoảng 6 tiếng đồng hồ để tiệt vi khuẩn, nấm bệnh. Sau đó để nguội và cấy giống nấm vào. Bịch phôi cấy giống được đặt trên giá đỡ, hoặc treo thành giàn rồi tưới nước thường xuyên, giữ ẩm, giữ nhiệt độ thấp ổn định. Sau khoảng một tháng, nấm bắt đầu hình thành và cho thu hoạch kéo dài khoảng 3 - 4 tháng, nếu là nấm sò. Riêng nấm rơm, nguyên liệu là rơm ủ thành mô, thành luống rồi cấy giống nấm vào theo đúng kỹ thuật hướng dẫn. Tính ra, đối với nấm sò, cứ 1 tấn nguyên liệu bịch phôi sẽ cho được 600 kg nấm tươi. Còn nấm rơm, 1 tấn nguyên liệu cho ra 150 kg nấm tươi.

Hiện nay, nấm sò được tiêu thụ mạnh nhất, phục vụ cho các quán ăn chay, nhà hàng, nhất là những ngày rằm, mùng một âm lịch. Có người sản xuất không đủ bán. Ông Đặng Xuân Tiến ở thị trấn Ngô Mây, Phù Cát trồng 10 tấn nguyên liệu nấm sò, 1 tấn nguyên liệu nấm mộc nhĩ. Trại nấm của ông khá quy mô, ngoài che lưới, lợp lá để trại luôn có nhiệt độ ổn định, ông còn dùng bạt nylon trải trên bề mặt trại và tạo ra những hố lồi lõm, để khi tưới nước, nước sẽ đọng lại nơi lõm và bốc hơi làm mát trại. Ông Tiến cho biết, trồng 5.000 bịch nấm sò, sau 3 tháng, ông thu về 50 triệu đồng, chủ yếu bán sỉ, bán ở chợ huyện, bán lẻ...

Với quy trình kỹ thuật được chuyển giao, cộng với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất nấm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định xây dựng 5 mô hình trồng nấm phân tán trong các hộ gia đình, ở các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Mỗi mô hình sản xuất từ 1 - 2 loại nấm, với quy mô từ 4 - 5 tấn nguyên liệu cho mỗi loại nấm. Bịch phôi do Trung tâm cung cấp hoặc hỗ trợ kỹ thuật để người dân tự sản xuất.

Ông Ngô Trương Giao ở xã Canh Vinh, huyện miền núi Vân Canh, tự xây lò hấp quy mô 400 bịch/mẻ, tự sản xuất bịch phôi và trồng nấm sò, nấm linh chi thương phẩm. Ông chỉ lấy giống nấm của Trung tâm nên nấm ông làm ra giá thành thấp hơn những người không tự sản xuất mà đi mua bịch phôi. Ông trồng gối vụ, mỗi tháng từ 1.000 - 1.500 bịch phôi. Mỗi ngày thu hoạch gần 20 kg nấm sò bán ở địa phương.

Bà Phạm Nguyễn Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Ưng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định cho biết, nghề trồng nấm hiện phát triển mạnh trong dân. Dân có nhu cầu mua bịch phôi khá nhiều, có tháng đến vài chục ngàn bịch. Thông qua một số chương trình công nghệ sinh học hàng năm, Trung tâm hướng dẫn người dân xây lò hấp, tự sản xuất bịch phôi và chỉ cung cấp giống nấm. Hiện nay, Trung tâm sản xuất được giống nấm từ cấp 1 đến cấp 3 của 5 loại nấm, đủ cung cấp theo nhu cầu của người trồng. Ngoài máy đóng gói, Trung tâm đang đầu tư mua thiết bị băm, nghiền để sản xuất trà túi lọc linh chi. Đây là dự án thứ hai Trung tâm sản xuất loại trà này, giúp người trồng nấm phát triển đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường...

Nguồn: khoahocphothong.com.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả