Nghiên cứu ứng xử của nút liên kết lõi – dầm cứng chịu tải trọng động đất thông qua thí nghiệm mô hình
12/10/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Để đáp ứng với việc xây dựng các tòa nhà cao tầng đang phát triển ngày càng mạnh tại Việt Nam, TS. Nguyễn Hồng Hà, TS. Đỗ Tiến Thịnh và ThS. Nguyễn Hồng Hải (Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng) cùng ThS. Vũ Xuân Thương (Công ty CP Giải pháp và Công nghệ Xây dựng SF) đã tiến hành “Nghiên cứu ứng xử của nút liên kết lõi – dầm cứng chịu tải trọng động đất thông qua thí nghiệm mô hình”, phương pháp phổ biến và quan trọng trong nghiên cứu kết cấu chịu tải trọng động đất trên thế giới, song còn rất ít nghiên cứu ở nước ta.
Qua thí nghiệm thực hiện tại Phòng thí nghiệm động đất (Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng), các tác giả có một số kết luận: kết cấu làm việc ổn định, các vết nứt do uốn và cắt phân bố đều ở mép và bề mặt mẫu thí nghiệm; mẫu bị phá hoại do uốn, bê tông vùng nén bị nén vỡ, cốt thép dọc đạt tới giới hạn chảy, cốt thép đai thì chưa chảy dẻo; tại thời điểm dừng thí nghiệm, độ dẻo của mẫu khoảng 1,7; dự báo bằng tính toán lý thuyết cường độ (chịu uốn) của mẫu khá sát so với kết quả thí nghiệm; do điều kiện hạn chế nên không thể tiếp tục gia tải để có thể đánh giá đầy đủ khả năng làm việc của mẫu ở xa ngoài giai đoạn đàn hồi.
Qua nghiên cứu, có thể đánh giá sự phù hợp của tiêu chuẩn thiết kế áp dụng cho dạng kết cấu có tầng cứng bê-tông cốt thép chịu tải trọng động đất theo các tiêu chí về cường độ, độ dẻo và cấu tạo chi tiết giữa dầm cứng và lõi.
Nguôn: TC KH&CN Xây dựng, số 2/2015