Năm học mới bắt đầu, ngoài việc chăm lo, chú trọng đến công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức chuyên môn cho học sinh, nhà trường, các thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh và xã hội cũng phải luôn quan tâm sát xao đến việc phát triển tâm lý, hành vi và nhân cách của học sinh, đặc biệt là học sinh các bậc trung học phổ thông.
Hiện nay, trong các trường học đã và đang tồn tại tình trạng học sinh có những biểu hiện về hành vi vi phạm những nội quy, quy định và bạo lực học đường. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến sự hình thành và phát triển trí tuệ, tâm sinh lý của mỗi học sinh (chủ yếu là học sinh trung học). Nguyên nhân của các hành vi này là do sự “ Rối nhiễu tâm trí” (“mental disorder” hay “mental health prolems”), được hình thành từ môi trường xã hội phát triển, điều kiện hoàn cảnh đăc biệt của gia đình, trường học, bạn bè… cùng với các động cơ, khả năng thích ứng, lệch lạc về tâm lý, nhân cách.
Tìm hiểu thực chất của hiện tượng rối nhiễu tâm trí ở học sinh trung học, Thạc sĩ Nguyễn Đình Chất ( trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) đã tiến hành nghiên cứu đối với 809 em học sinh trung học ở Lâm Đồng.
Thông qua phân tích thực trạng rối nhiễu tâm trí về các mặt: rối nhiễu chung, các loại rối nhiễu thành phần, rối nhiễu theo giới tính, bậc học, hoàn cảnh gia đình, kết quả cho thấy tỉ lệ mắc rối nhiễu tâm trí trong 809 học sinh là 28,2%. Cụ thể, tổng rối nhiễu thành phần học sinh nam nhiều hơn học sinh nữ (nam: 235,4%, nữ: 212,5%); học sinh Trung học cơ sở (33,05%) nhiều hơn học sinh Trung học phổ thông (28,56%). Trong các mặt của rối nhiễu tâm trí, rối nhiễu quan hệ bạn bè có tỉ lệ cao nhất (59,7%), tiếp đó là rối nhiễu hành vi (47,3%); rối nhiễu cảm xúc ở học sinh nữ (46,8%) cao hơn học sinh nam (37,7%). Rối nhiễu tâm trí chung 47,1%, rối nhiễu hành vi 54,5%. Nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm nội quy, quy định của nhà trường có 23,7% là do rối nhiễu về sự tăng động giảm chú ý (ADHD), 60,1% các trường hợp học sinh có hành vi bạo lực là do rối nhiễu tâm trí chung. Toàn bộ mẫu khảo sát nghiên cứu có 17,3% số trường hợp có nguy cơ cao mắc phải rối nhiễu tâm trí.
Kết quả thực tế của cuộc nghiên cứu làm cơ sở cho tham vấn học đường, tiến tới đưa tâm lý học đường vào giảng dạy trong các bậc Trung học nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn các hành vi vi phạm nội quy, quy định, bạo lực trong nhà trường, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh học tập và phát triển.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Giáo dục ĐHSPKT, số 8/2015