Nghiên cứu tương tác sóng và nước dâng do bão bằng mô hình số trị
15/07/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong nghiên cứu này, ThS. Đỗ Đình Chiến (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) và cộng sự phân tích tương tác giữa sóng biển và nước dâng do bão dựa trên kết quả tính toán sóng và nước dâng trong bão Xangsena tháng 9/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng bằng mô hình SuWAT.
Mô hình SuWAT đã khắc phục được hạn chế của một số mô hình, công nghệ được xây dựng trước đây, đó là xem xét đồng thời tương tác giữa thủy triều, sóng biển và nước dâng trong bão. Trong đó, thủy triều và nước dâng được tính toán dựa trên hệ phương trình nước nông phi tuyến hai chiều có xét đến nước dâng tạo bởi ứng suất sóng được tính từ mô hình SWAN, một mô hình thành phần của SuWAT.
Kết quả cho thấy, nước dâng do sóng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong mực nước dâng trong bão và việc xem xét phần đóng góp của nước dâng do sóng đã làm tăng độ chính xác của tính toán. Vì vậy, trong nghiên cứu tính toán cũng như dự báo nghiệp vụ nước dâng do bão, cần thiết phải tính đến phần đóng góp của nước dâng do sóng. Tương tác của thủy triều và nước dâng trong bão đã làm tăng độ cao sóng tại những khu vực sóng lớn quanh tâm bão ở gần bờ. Sự thay đổi này sẽ không đáng kể tại những khu vực sóng nhỏ và độ sâu của biển lớn hơn đáng kể so với thay đổi mực nước biển do thủy triều và nước dâng do bão.
Tuy nhiên, mức độ tương tác giữa sóng và nước dâng trong bão cũng cần được kiểm chứng thêm cho nhiều cơn bão lịch sử, trên các pha triều khác nhau và được tính trên lưới tính có độ phân giải cao hơn, đây cũng là nội dung đề cập trong những nghiên cứu tiếp theo.
LV (nguồn: Tạp chí Khí tượng thủy văn, 11/2014)