Nghiên cứu sử dụng xăng sinh học trên ô tô phun xăng điện tử
12/11/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
PGS.TS Lê Anh Tuấn và cộng sự thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, TS. Phạm Hữu Truyền (Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh), TS. Đinh Xuân Thành (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của xăng sinh học E10, E15, E20 và E85 đến các thông số tính năng kinh tế, kỹ thuật và phát thải của động cơ ô tô phun xăng điện tử.
Ô tô được sử dụng trong quá trình nghiên cứu là ô tô Deawoo Lanos đời 2001, trước khi thử nghiệm xe đã đi được 97.263 km. Xe sử dụng hệ thống nhiên liệu phun xăng điện tử.
Theo đó, nhờ có khả năng điều chỉnh hệ số dư lượng không khí, động cơ phun xăng điện tử có thể đạt được công suất tương đương khi chuyển sang sử dụng xăng sinh học E10 và E15. Tuy nhiên, đối với xăng sinh học E20 trở lên, cần quan tâm năng lượng nhiên liệu nhằm đạt được công suất tương đương của động cơ.
Các thành phần phát thải CO2 giảm nhờ quá trình cháy được cải thiện. Thành phần phát thải HC ít thay đổi và có xu hướng tăng khi sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol lớn. Điều chỉnh góc đánh lửa sớm có vai trò quan trọng trong việc đốt chát kiệt nhiên liệu, góp phần cắt giảm thành phần phát thải HC. Như vậy, cần quan tâm điều chỉnh góc đánh lửa sớm cho động cơ khi chuyển sang sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol từ 15% trở lên.
Các kết quả nghiên cứu trên phương diện lý thuyết thông qua mô hình mô phỏng và nghiên cứu thực nghiệm đối chứng của đề tài có tác dụng định hướng trong việc sử dụng các lại nhiên liệu sinh học này trên ô tô.
LV (nguồn: TC Giao thông vận tải, 5/2015)