Nghiên cứu đánh giá hàm lượng một số kim loại nặng trong trầm tích đáy vùng cửa sông Mekong
20/10/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Chảy qua nhiều khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dân cư nên hàng năm sông Mekong mang kim loại nặng từ phía thượng nguồn tích tụ trong trầm tích đáy tại vùng cửa sông tương đối cao, khả năng xâm nhiễm vào hệ sinh thái rất lớn.
Việt Nam đã có các công trình nghiên cứu thành phần kim loại nặng tồn tại trong nước và trầm tích của sông Mekong, song vẫn còn khá ít và chưa toàn diện. Góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, TS. Phùng Thái Dương và GV. Huỳnh Thị Kiều Trâm (Đại học Đồng Tháp) đã tiến hành “Nghiên cứu và đánh giá hàm lượng một số kim loại nặng trong trầm tích đáy vùng cửa sông Mê Kông”.
Qua phân tích mẫu, các tác giả đã rút ra kết luận: Ngoại trừ Pb, hàm lượng các kim loại còn lại như Cu, Zn, Cd, As, Hg…nhìn chung đã gần bằng với Quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Một số chỉ tiêu như Cu, Cd vượt quá so với tiêu chuẩn một số nước trên thế giới (Mỹ, Canada..) và bắt đầu gây ảnh hưởng đến đời sống sinh vật thủy sinh, hệ sinh thái ven sông; Trong tương tác giữa sông và biển, độ pH ảnh hưởng đến sự bão hòa của nước, tích tụ phù sa, lắng đọng, hấp thụ hàm lượng kim loại nặng trong trầm tích đáy. Hàm lượng kim loại nặng và độ pH tăng dần khi tiến về phía biển; hàm lượng kim loại nặng ở các nhánh nhỏ cao hơn ở sông chính, do hoạt động kinh tế - xã hội của dân địa phương đã góp phần tạo nên.
Kết quả nghiên cứu của các tác giả giúp tạo cơ sở cho việc định hướng xử lý hợp lý trong phát triển nông nghiệp bền vững ở khu vực Tây Nam Bộ.
Nguồn: TC Khoa học – ĐHSP TP.HCM, số 9/2015