Nghiên cứu quần xã tuyến trùng trên hiện trạng canh tác hồ tiêu tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương
18/12/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong nghiên cứu này, các tác giả Lưu Đức Trung (Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), Bùi Thị Thu Nga (Viện Sinh học nhiệt đới) và các cộng sự thực hiện đánh giá quần xã tuyến trùng và mối quan hệ có thể có của tuyến trùng với các yếu tố môi trường của đất, nơi mà tuyến trùng sinh sống.
Nhóm tác giả tiến hành khảo sát 61 hộ trồng hồ tiêu và lấy mẫu đất theo chiều mặt cắt đứng ở độ sâu 0 - 10 cm (S1) và 10 – 20 cm (S2) ngẫu nhiên tại Minh Tân (MTA), Minh Hòa (MHO) và Minh Thạnh (MTH), là 3 vùng trồng hồ tiêu chuyên canh của huyện Dầu Tiếng.
Theo đó, mật độ tuyến trùng ở 3 vùng nghiên cứu của huyện Dầu Tiếng có sự chênh lệch nhau rõ rệt, trong đó nhóm tuyến trùng ký sinh là nhóm tuyến trùng chiếm tỷ lệ cao nhất. Khu vực MHO mật độ tuyến trùng cao nhất với tỷ lệ tuyến trùng ký sinh cũng cao nhất (94,17%) nên mức độ rễ bị xâm hại cao nhất. Tầng S1 thường có mật độ cao hơn tầng S2 nhưng tỷ lệ nhóm tuyến trùng ký sinh ở tầng S2 lại cao hơn tầng S1.
Phần lớn tuyến trùng xác định được đều ở dạng ấu trùng tuổi 2. Sự phân bố của tuyến trùng phụ thuộc vào sự sinh trưởng của các giống tuyến trùng ở các tầng đất. Thành phần giống tại khu vực MTA đa dạng hơn MTH và thấp nhất là khu vực MHO, nên hệ số đa dạng (d) cũng có kết quả tương tự. Chỉ số tăng trưởng (MI) tại các tầng đất của các điểm nghiên cứu đều ở mức trung bình với sự tương đối ổn định của môi trường đất. Chỉ số H’ cho thấy 3 vùng khảo sát nằm trong khoảng ô nhiễm ít và ô nhiễm trung bình.
LV (nguồn: TC Bảo vệ thực vật, số 6-2015)