Nghiên cứu tổ hợp lai lợn đực cuối giữa Duroc và Landrace
08/12/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong những năm gần đây ở nước ta, xu hướng phát triển một số dòng lợn đực lai mang các đặc điểm ngoại hình như chân dài, da mỏng, lông thưa và mông vai nở đang được tập trung quan tâm trong chăn nuôi lợn vì các đặc điểm ngoại hình này được di truyền lại cho đời con thương phẩm với mục tiêu cải thiện chất lượng thịt.
Để đạt được những mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Hữu Tỉnh – Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã tiến hành nghiên cứu về mức độ “tăng khối lượng, dày mỡ lưng và chuyển hóa thức ăn” của tổ hợp lai giữa hai giống lợn thuần Duroc (D) và Landrace (L) dựa trên sự khảo sát thực nghiệm một số công thức lai và phân tích các thành phần di truyền cộng gộp, di truyền trội.
Nghiên cứu đã đánh giá năng suất sinh trưởng của tổ hợp lai lợn đực cuối tốt nhất trong các tổ hợp lai giữa hai giống D và L trên cơ sở khảo sát một số tổ hợp lai thuận nghịch và phân tích các thành phần di truyền ảnh hưởng tới tốc độ tăng khối lượng (TKL), dày mỡ lưng (DML) lúc 100kg và chuyển hóa thức ăn (CHTA). Các dữ liệu năng suất cá thể đã được thu thập trên tổng số 244 cá thể lai (DL, LD, D x DL, L x DL) và 1.468 cá thể D và L.
Kết quả cho thấy trong công thức lai tạo lợn đực cuối giữa D và L, tổ hợp lai DL có tiềm năng cao nhất cả về TKL (731,3g/ngày), DML (10,63 mm) và CHTA (2,68kg/kg). Khi sử dụng L làm nái nền để lai tạo cho hiệu quả kinh tế cao. Trong trường hợp tiếp tục sử dụng tổ hợp lai DL để tự nhân giống (DL x DL) và chọn lọc, phát triển thành dòng lai mới, TKL, DML và CHTA sẽ giảm xuống hoặc không được cải thiện so với con lai DL.
Nguồn: TC KHKT Chăn nuôi, tháng 10/2015