SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, các phương pháp điều trị loãng xương và biến chứng của loãng xương

Bệnh loãng xương và biến chứng thường gặp của bệnh như xẹp đốt sống, gù cột sống, gãy cổ xương đùi, gãy xương chi trên, nặng nhất có thể gây tử vong, đang được coi là một dịch bệnh âm thầm lan rộng khắp thế giới, có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng cho y tế cộng đồng. Châu Á hiện được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo là tâm điểm của loãng xương trong thế kỷ XXI. Còn ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Hội Thấp khớp học trên một số tỉnh miền Bắc, ước tính khoảng 36,5% phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh bị loãng xương. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 20% số người trên 60 tuổi bị loãng xương, trong đó đã có nhiều biến chứng.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, con người đã đạt được những bước tiến trong công tác điều trị loãng xương và biến chứng của nó. Các nhóm thuốc điều trị loãng xương hiện nay chủ yếu với cơ chế tác động lên hủy cốt bào, làm giảm quá trình hủy xương. Giờ đây, các thuốc có cơ chế tăng quá trình tạo xương cũng đã được nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều. Bên cạnh đó, có rất nhiều phương pháp điều trị biến chứng của loãng xương đang được ứng dụng phổ biến trên thế giới như tạo hình đốt sống bằng bơm cement không bóng và có bóng, phẫu thuật cột sống với hệ thống vít nở, thay khớp háng nhân tạo có cement. Những công nghệ này cũng đang được ứng dụng tại Việt Nam, trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đi sâu vào việc xây dựng chỉ định và quy trình phẫu thuật cho bệnh nhân Việt Nam bị biến chứng loãng xương.

Đề tài “Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, các phương pháp điều trị loãng xương và biến chứng của loãng xương” được thực hiện với 424 nam giới từ 60 tuổi trở lên và 988 nữ giới từ 50 tuổi trở lên trong giai đoạn từ 12/2011 - 10/2014, đã xác định:

Các yếu tố nguy cơ loãng xương của nam giới từ 60 tuổi trở lên bao gồm:
- Cân nặng thấp: nam giới cân nặng thấp < 60kg có nguy cơ mắc loãng xương cao gấp 2,36 lần so với nam giới có cân nặng ≥ 60kg.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp: nam giới có BMI thấp < 18,5 có nguy cơ mắc loãng xương cao gấp 2,82 lần so với nam giới có BMI ≥ 18,5.
- Tiền sử uống rượu: nam giới có tiền sử uống rượu có nguy cơ mắc loãng xương cao gấp 2,03 lần so với nam giới không uống rượu.

Các yếu tố nguy cơ loãng xương của nữ giới từ 50 tuổi trở lên như:
- Tuổi >70: nữ giới trên 70 tuổi có nguy cơ loãng xương cao hơn gấp 2,2 lần so với nữ giới 50-70 tuổi
- Chiều cao thấp: nữ giới có chiều cao thấp < 147 cm có nguy cơ loãng cương cao gấp 1,77 lần so với nữ giới có chiều cao ≥ 147 cm.
- Cân nặng thấp: nữ giới cân nặng thấp < 42 kg có nguy cơ mắc loãng xương cao gấp 3,5 lần so với nữ giới có cân nặng ≥ 42kg.
- Số lần sinh con ≥ 5lần: nữ giới có số lần sinh con ≥ 5 có nguy cơ loãng xương cao hơn 1,7 lần so với người sinh < 5 con.

Nghiên cứu đã xây dựng thành công 2 quy trình điều trị của Alendronate và Spontrium ranelate cho bệnh nhân loãng xương. Mỗi quy trình đều mô tả chi tiết về chỉ định, chống chỉ định, quy trình điều trị, các tác dụng không mong muốn và các xử trí cho bệnh nhân.

Để dự phòng loãng xương, cần tăng cường hiểu biết các yếu tố nguy cơ gây loãng xương nhằm có chính sách tuyên truyền để phòng tránh ở các đối tượng có nguy cơ. Trong điều trị loãng xương, can thiệp các yếu tố nguy cơ kịp thời làm gia tăng hiệu quả điều trị loãng xương, tránh được biến chứng gãy xương, giảm nguy cơ tử vong. Các đối tượng nữ giới ≥ 50 tuổi và nam giới ≥ 60 tuổi, đặc biệt các đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ loãng xương nên được kiểm tra mật độ xương định kỳ và khảo sát yếu tố nguy cơ nhằm phát hiện sớm và điều trị dự phòng hiệu quả.
Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả