Đánh giá chất lượng cọc đất - ximăng thi công hiện trường tạo bởi công nghệ trộn ướt – trộn sâu nhỏ gọn (NSV) – để gia cố đường đê bao ở An Giang
18/03/2016
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhờ ưu điểm thi công đơn giản và vật liệu yêu cầu chỉ cần ximăng, nên công nghệ đất trộn ximăng theo phương pháp trộn ướt – trộn sâu (SCDM) đã được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam trong các lĩnh vực gia cố mố trụ cầu, tường chắn, nền móng nhà, ổn định mái dốc,...Tuy nhiên hiện nay, công nghệ này vẫn chưa được ứng dụng trong gia cố đường đê bao.
Nhằm đáp ứng việc ứng dụng công nghệ SCDM bằng thiết bị nhỏ gọn (NSV) vào gia cố đường đê bao, các tác giả Nguyễn Bình Tiến (Học viên cao học), ThS. Mai Anh Phương, ThS. Trương Đắc Châu và TS. Trần Nguyễn Hoàng Hùng (Khoa KTXD, Đại học Bách Khoa TP.HCM), đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá chất lượng cọc đất - ximăng thi công hiện trường tạo bởi công nghệ trộn ướt – trộn sâu nhỏ gọn (NSV) – để gia cố đường đê bao ở An Giang”.
Bằng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm khoan lấy mẫu soilcrete hiện trường kết hợp với thí nghiệm nén nở hông tự do (UCS) trong phòng, kết quả cho thấy: cọc đất - ximăng hình thành hầu hết trên toàn bộ chiều sâu cọc và tạo thành tường liên tục trên toàn bộ chiều dài thi công. Với hàm lượng 250 kg/m3 trở lên thì hầu hết các mẫu soilcrete có qu > 0,35 MPa. Cường độ các mẫu soilcrete tăng theo hàm lượng ximăng và có cường độ không đồng đều trong cùng một lớp đất với cùng một hàm lượng ximăng. Ở hàm lượng ximăng 250 kg/m3, qu lớp đất bùn sét cao hơn lớp đất sét mềm dẻo. Cùng một hàm lượng ximăng, ở những vị trí khoan lấy lõi khác nhau cho cường độ khác nhau. Biến dạng lúc phá hoại, εf’ chủ yếu nằm trong khoảng từ 0,5 đến 2,5%, đặc trưng phá hoại của vật liệu là phá hoại giòn. Môđun đàn hồi cát tuyến E50’ của các mẫu đất - ximăng dao động từ khoảng 27-150 lần cường độ nén nở hông tự do qu.
Nghiên cứu đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết hiện nay trong việc gia cố đường đê bao tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng, tháng 1/2016