SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm bổ sung đa enzyme bằng công nghệ vi sinh

Năm 2015, các nhà nghiên cứu tại Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn do TS. Trần Quốc Việt phụ trách đã thành công nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm bổ sung đa enzyme bằng công nghệ vi sinh.

Ngành chăn nuôi ở Việt nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó giá thức ăn liên tục tăng cao là một trong những trở ngại lớn nhất. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao gấp 2 lần so với chuẩn giá quốc tế và liên tục tăng kể từ năm 2007 đến nay. Nguyên nhân làm cho giá các loại nguyên liệu thức ăn không nhừng leo thang là tình trạng căng thẳng về nguồn cung.

Tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng khi ngũ cốc và những nguồn nguyên liệu giầu tinh bột khác đang được sử dụng ngày càng nhiều để sản xuất nhiên liệu sinh học. Việc tăng giá thức ăn tạo nên áp lực lớn đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi lợn và gia cầm, vốn luôn bị cạnh tranh gay gắt không chỉ với con người về nguồn ngũ cốc mà còn với ngành sản xuất cồn sinh học.

Biện pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này là sử dụng các enzyme bổ sung vào thức ăn để làm tăng tỷ lệ tiêu hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của vật nuôi. Và đề tài này được thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, giá cầm có bổ sung enzyme bằng công nghệ vi sinh quy mô công nghiệp đạt năng suất và chất lượng sản phẩm cao.

Đề tài đã thu được những kết quả sau:
- Đã tuyển chọn được 4 chủng vi khuẩn Bacillus có khả năng sản sinh enzyme cao hơn các chủng của đề tài xuất xứ, gồm 3 chủng vi khuẩn Bacillus subtilis (S23; V158; V159) và 01 chủng vi khuẩn Bacillus.amyloliquefaciens. Bốn chủng này đã được đưa vào danh mục các vi khuẩn hữu ích và được lưu trữ tại bảo tàng giống vi sinh vật của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với các mã VTCC tương ứng (B2: VTCC B 1877; V158: VTCC B-1879; V159: VTCC B-1880 vaf S23: VTCC B-1878).
- Hoàn thiện được công nghệ và xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất các enzyme α-amylase, protease, cellulose, β-glucanase và xylanase từ các chủng vi khuẩn trên.
- Đã sản xuất được 5.000 lít chế phẩm đa enzyme dạng lỏng đạt các chỉ tiêu chất lượng đặt ra về hoạt tính các enzyme (U/ml): α-amylase: 2238; protease: 226; cellulose: 640; β-glucanase: 298 và xylanase: 1158.
- Xác định được liều bổ sung thích hợp đối với chế phẩm đa enzyme lỏng khi bổ sung vào thức ăn cho lợn và gà là từ 3.500 ml đến 5.000 ml/tấn.
- Bổ sung chế phẩm đa enzyme lỏng vào thức ăn đã làm tăng tốc độ sinh trưởng của gà từ 9,9% đến 10,6 và giảm tiêu tốn thức ăn từ 6,3% đến 10,4% so với đối chứng.
- Khi bổ sung chế phẩm đa enzyme lỏng vào thức ăn đã làm tăng tốc độ sinh trưởng của lợn từ 7,9% đến 10,2% và giảm tiêu tốn thức ăn từ 9,4% đến 10,0% so với đối chứng.
- Đã thiết kế và lắp đặt thành công dây chuyền sản xuất thức ăn bổ sung giàu enzyme cho lợn và gà công suất trên 1 tấn/ngày.
- Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất thức ăn bổ sung giàu enzyme cho lợn và gà quy mô 1 tấn/ngày.
- Sản xuất được 40 tấn thức ăn bổ sung giàu enzyme cho lợn, khi sử dụng để nuôi lợn đã làm tăng tốc độ sinh trưởng từ 7,9% đến 9,5% và giảm tiêu tốn thức ăn từ 6,7% đến 9,87% so với đối chứng.
- Sản xuất được 30 tấn thức ăn bổ sung giầu enzyme cho gà, khi sử dụng để nuôi gà thịt đã làm tăng tốc độ sinh trưởng từ 9,2% đến 9,4% và giảm tiêu tốn thức ăn từ 6,67% đến 7,25% so với đối chứng.
- Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở và đăng ký danh mục cho bốn sản phẩm của dự án, bao gồm: (1) chế phẩm đa enzyme lỏng (RTD- LIQUOR™); (2) chế phẩm đa enzyme bột (RTD-ENZYME POWDER™); (3) thức ăn bổ sung giầu enzyme cho lợn (RTD-Feed Enzyme™Swine); (4) thức ăn bổ sung giầu enzyme cho gà (RTD-Feed Enzyme™Avian).

Trong bối cảnh thị trường enzyme thức ăn đang diễn biến phức tạp và phụ thuộc chủ yếu vào các nhà sản xuất nước ngoài với giá rất cạnh tranh thì kết quả của dự án này đã mang lại một ý nghĩa rất quan trọng và thực tiễn. Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thêm những nghiên cứu sâu hơn để dự án này hoàn thiện được toàn diện công nghệ sản xuất chế phẩm đa enzyme dùng trong chăn nuôi và phát triển thị trường.
Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả