Phương pháp trắc quang xác định lượng kháng sinh Fluoroquinolone trong tôm và nước ao nuôi tôm
Kim Tiến
03/07/2018
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Trương Lâm Sơn Hải, Trần Thị Như Trang, Hồ Thị Phước (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) đã thực hiện đề tài nghiên cứu phát triển phương pháp trắc quang xác định kháng sinh fluoroquinolone (FQs) trong tôm và nước ao nuôi tôm. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra phương pháp giúp cho người nuôi tôm xác định mức sử dụng kháng sinh FQs an toàn và phù hợp trong nuôi trồng, từ đó hạn chế tối đa lượng kháng sinh FQs tồn dư trong tôm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
FQs là loại kháng sinh dùng trong chữa trị cho cả người và vật nuôi, có tác động an toàn trong việc xử lý một vài nhiễm trùng ruột của gà tây, heo, bê và gia cầm. FQs hấp thụ tốt qua đường miệng và phân bố rộng rãi trong các mô, đặc trưng này làm thuốc phù hợp để điều trị một lượng lớn bệnh nhiễm trùng trong gia súc và thủy sản. Mặt khác, việc lạm dụng FQs cũng tiềm ẩn nguy cơ tồn dư lượng kháng sinh họ quinolone trong thịt vật nuôi dùng làm thực phẩm, tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc, gây nên sự chậm phát triển ở trẻ em. Thậm chí nếu sử dụng thực phẩm tồn dư quinolone trong thời gian dài sẽ gây ung thư ở người. Do vậy, việc sử dụng phương pháp trắc quang để kiểm tra hàm lượng kháng sinh FQs tồn dư trong thực phẩm, thịt cá, thủy sản, gia súc…là hết sức cần thiết.
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp để xác định quinolone nhưng đa phần những phương pháp này đều có chi phí thực hiện rất cao. Do đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp trắc quan làm tiền đề để phát triển bộ thử nhanh ngoài hiện trường đáp ứng các tiêu chí như nhanh, đơn giản, rẻ tiền và dễ sử dụng. Quá trình thực hiện nghiên cứu bao gồm 2 nội dung: xác định đặc trưng của phương pháp trắc quang bằng cách khảo sát và tối ưu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lên màu như nồng độ Ce, chỉ thị màu Indigo Carmine, nồng độ H2SO4 tạo môi trường; xử lý mẫu và xác định FQs trên mẫu nước ao nuôi tôm và tôm, từ đó xác định hiệu suất thu hồi, độ lặp lại, LOD và LOQ của chất phân tích trên nền mẫu thật.
Từ những nội dung trên, các nhà nghiên cứu đã đạt được những kết quả như: xây dựng được quy trình chiết và làm sạch mẫu nhóm kháng sinh họ fluoroquinolone có hiệu quả hoạt động ổn định, hiệu suất thu hồi trên 70% với giá trị RSD dưới 10%, đạt yêu cầu của một quy trình phân tích dư lượng; xây dựng và ứng dụng quy trình phân tích xác định dư lượng kháng sinh họ FQs trong tôm và nước ao nuôi tôm, quy trình đạt tính phù hợp của hệ thống, tính đặc hiệu, tính tuyến tính với hệ số R > 0,99. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đề nghị cần có thêm nhiều nghiên cứu khác và phân tích thêm nhiều mẫu độc tính để có thể đánh giá đầy đủ hơn về hiện trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thủy hải sản.