Sản xuất bê tông bền trong môi trường biển từ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
05/05/2018
KH&CN trong nước
Là nội dung chính trong nghiên cứu của các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Pháp. Nghiên cứu thuộc dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu geopolyme trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo” với mục tiêu tạo ra vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, bền trong môi trường xâm thực mặn trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ, giải quyết chất thải từ các nhà máy gang thép và nhiệt điện.
Nước ta có đường bờ biển dài 3.200km với gần 3.000 hòn đảo nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với khí hậu vùng biển là rất cần thiểt. Tuy nhiên, đa số các loại vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển rất xa từ đất liền vào, điều này không chỉ làm tăng chi phí nguyên vật liệu, mà tính chất của vật liệu cũng không phù hợp với môi trường nước mặn. Hiện tượng ăn mòn bê tông cốt thép tại các công trình ven biển đang ngày càng xảy ra phổ biến và nghiêm trọng, khiến tuổi thọ của các công trình giảm sút, kéo theo mức phí tổn lớn cho việc bảo trì và bảo dưỡng (lên tới 70% mức đầu tư công trình). Mặc dù đã có một số biện pháp khắc phục hiện tượng xâm thực nhưng chi phí thực hiện quá lớn và không thực sự khả thi, vì thế nhóm nghiên cứu đến từ Công ty Việt Pháp đã tận dụng những ưu điểm của geopolyme như cường độ cao, tốc độ đóng rắn nhanh, chống mài mòn, chịu xâm thực tốt và giảm hiệu ứng nhà kính (26 – 45%) để chế tạo loại vật liệu mới phù hợp với môi trường biển đảo.
Qua quá trình nghiên cứu (đã được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 3a/2018), hoàn thiện quy trình sản xuất theo điều kiện thực tế ở thành phố Hải Phòng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng loại geopolyme dạng bột (onecrete) kết hợp với các nguồn nguyên liệu có sẵn ở lân cận như xỉ lò cao (từ nhà máy thép Hòa Phát), tro bay (từ nhà máy nhiệt điện Phả Lại), cát mặn và nước biển. Kết quả đã tạo ra được loại bê tông mới với cường độ cao (tối thiểu 30 Mpa), hoàn toàn không sử dụng xi măng nhưng mang lại hiệu quả kinh tế to lớn và giảm gánh nặng chi phí bảo trì, bảo dưỡng cho các địa phương ven biển và hải đảo. Ngoài ra, việc sản xuất bê tông geopolyme sẽ tận dụng được nguồn chất thải tại các nhà máy gang thép và nhiệt điện, làm giảm chi phí xử lý, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời giảm nạn khai thác cát tràn lan gây sạt lở, đe dọa tính mạng của người dân sống ven các bờ sông.
Dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện và thuộc chương trình “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm” (chương trình 592).