Một vấn đề khó khăn khác trong thực tiễn điều trị UTĐTT tại nước ta là còn nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trong những bệnh nhân mới được phát hiện thì có đến 40% trường hợp đã có di căn tại thời điểm chẩn đoán. Mặc dù có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân với các khối u di căn đơn độc ở phổi hoặc gan còn khả năng điều trị triệt căn bằng phẫu thuật và hóa chất, 80% các bệnh nhân ở giai đoạn lan tràn có tổn thương di căn không còn khả năng phẫu thuật. Hóa trị trong trường hợp này giúp chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh, kéo dài thời gian sống thêm.
Từ những năm 2000, liệu pháp nhắm trúng đích bằng kháng thể đơn dòng đã được áp dụng trong điều trị một số bệnh ung thư, đạt được những kết quả khả quan. Trong UTĐTT, một số thuốc điều trị đích đã được sử dụng kết hợp với hóa chất cho giai đoạn di căn. Bevacizumab (Avastin TM) là một kháng thể đơn dòng kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch (VEGF) hiện đã được phê duyệt ở Mỹ và Châu Âu trong sử dụng kết hợp với phác đồ hoá trị FOLFOX hoặc FOLFIRI cho UTĐTT di căn, qua hai thử nghiệm lâm sàng pha III của Giantonio BJ (2005) và Saltz (2007). Tại Việt Nam, điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn với phác đồ Avastin- FOLFOX4 đã được tiến hành từ năm 2008. Tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có một nghiên cứu, báo cào nào cho kết quả đầy đủ của hóa trị liệu kết hợp điều trị đích trong ung thư đại trực tràng di căn.
Đặc điểm của bệnh ung thư nói chung và ung thư ĐTT nói riêng đều dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân, suy mòn. Sụt cân là triệu chứng thường gặp: 80% các bệnh nhân ung thư, hậu quả của sụt cân ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị, chất lượng sống của người bệnh. 20 đến 30% bệnh nhân ung thư chết có liên quan đến của suy dinh dưỡng. Do đó bệnh nhân điều trị ung thư cần phải được đánh giá tình trạng dinh dưỡng và điều trị sớm. Eicosapentanoic acid (EPA) có tác dụng chống suy dinh dưỡng, suy mòn trong ung thư được chứng minh qua nhiều nghiên cứu với liều 2g/ngày có hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng làm giảm tỷ lệ suy mòn và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về sử dụng EPA trên người bệnh ung thư đại trực tràng.
Chính vì những lý do trên, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu là chủ nhiệm đề tài đã cùng thực hiện "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến trong điều trị ung thư đại trực tràng" nhằm những mục tiêu: Xây dựng chỉ định và quy trình phẫu thuật bảo tồn cơ tròn hậu môn trong UTTT; Xây dựng chỉ định và quy trình phẫu thuật nội soi UTĐTT; Xây dựng chỉ định và quy trình hóa xạ trị đồng thời trong UTTT; Xây dựng chỉ định và phác đồ hóa trị liệu kết hợp điều trị đích trong UTĐTT; Xây dựng chỉ định, sử dụng phác đồ EPA (eicosapentanoic acid) và đánh giá hiệu quả dinh dưỡng đường tiêu hóa sớm sau phẫu thuật trong UTĐTT;
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử 64 bệnh nhân, phân làm 2 nhóm: Nhóm PT Parks: 32 bệnh nhân UTTT thấp được phẫu thuật cắt cụt trực tràng đường bụng- hậu môn; Nhóm PT cắt đoạn TT, nối máy: 32 bệnh nhân UTTT được cắt đoạn, nối Máy. Tại Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian theo dõi được tính đến 31/5/2016.
Sau thời gian nghiên cứu, các tác giả đã xây dựng thành công các chỉ định, và quy trình trong phẫu thuật bảo tồn cơ tròn ung thư trực tràng thấp, trong phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng, trong điều trị hóa xạ trị đồng thời trước mổ ung thư đại trực tràng, trong điều trị hóa chất kết hợp điều trị đích ung thƣ đại trực tràng giai đoạn muộn và trong nuôi dưỡng sớm, nuôi dưỡng EPA ở ung thư đại trực tràng. Kết quả đã và đang được ứng dụng vào trong thực tiễn lâm sàng ở bệnh viện K, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả điều trị bệnh nhân được đánh giá và so sánh với các nghiên cứu khác cho kết quả tương đồng. Đã nâng cao được chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, còn đào tạo được nghiên cứu sinh, thạc sỹ, BSNT tại bệnh viện K, bệnh viện ĐH Y Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai. Các cán bộ khoa học tham gia trong đề tài này không chỉ có kiến thức chuyên sâu về ung thư, dinh dưỡng mà còn hiểu biết rất sâu về lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa, xạ trị, dược lý, sinh học phân tử.
Đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần ứng dụng thành công những thành tựu trong lĩnh vực điều trị ung thư đại trực tràng tại các cơ sở điều trị ung thư tại Việt Nam. Sự thành công của đề tài là tiền đề cho việc mở ra một hướng mới cho việc kết hợp giữa y học cơ sở và y học lâm sàng trong lĩnh vực ung thư để phục vụ chiến lược chăm sóc vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Đảng và Nhà nước.