Khả năng thả cá dựa trên sức tải thủy vực của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
11/05/2018
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Vũ Cẩm Lương, Nguyễn Như Trí, Nguyễn Phúc Cẩm Tú (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) đã thực hiện nghiên cứu về khả năng thả cá dựa trên tính toán sức tải thủy vực của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, và tìm ra chiến lược thả cá phù hợp với nguồn thức ăn tự nhiên và điều kiện môi trường, cũng như hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cảnh quan thiên nhiên của TP.HCM.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các hoạt động như: sử dụng bản đồ vệ tinh Google Map và định vị GIS để xác định 3 phân vùng sinh thái đại diện cho đoạn đầu (I), giữa (II) và cuối (III) kênh, đồng thời xây dựng 9 trạm thu mẫu, khảo sát chế độ thủy văn, mặt cắt kênh, diện tích và thể tích các phân vùng ở kênh; khảo sát các yếu tố môi trường tác động đến cá với tần xuất 6 đợt/năm; nghiên cứu thành phần loài cá thả phù hợp; dùng mô hình Ecosim kiểm chứng kết quả tính toán sức tải thủy vực; xây dựng kịch bản, chiến lược thả cá và quản lý đàn cá; triển khai thực địa tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Kết quả thu được các phân vùng I, II, III của kênh có diện tích lần lượt là 161.897, 120.808, 101.232 m2, thể tích trung bình lần lượt là 709.762, 459.695, 344.161 m3. Các yếu tố môi trường vô sinh tác động đến cá ở kênh như chỉ số pH trung bình đạt trên 6 và hàm lượng amoniac dao động trong khoảng 0,62–1,96 mg/l. Ngoài ra, còn có các yếu tố hữu sinh ảnh hưởng xấu đến đàn cá như nước thải tràn khi mưa (92,7%), rác thải (82%), hoạt động câu cá (80,7%), thuyền du lịch (49,3%), hoạt động đóng mở cửa ngăn triều (5,3%) và thả cá trên kênh (0%). Kết quả mô hình nghiên cứu Ecopath và Ecosim cho thấy, không thể thả thêm cá vì hiện tại sinh lượng cá ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã vượt ngưỡng sức tải về cơ sở thức ăn tự nhiên, đồng thời sức tải thủy vực của kênh cũng đã vượt khả năng dung nạp đàn cá. Cá trê, lóc, mùi, tra và rô đồng là các loài cá thích ứng tốt với điều kiện môi trường trong kênh do có cơ quan hô hấp phụ. Riêng cá rô phi, trôi và chép cần ngưng thả do mật độ đã vượt sức tải thủy vực của kênh cũng như không có cơ quan hô hấp phụ.
Nghiên cứu đã xây dựng được 8 khuyến nghị chiến lược thả cá theo các kịch bản và đề xuất 9 giải pháp quản lý môi trường và nguồn lợi bền vững cho đàn cá ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Thông tin về kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chia sẻ đến các sở, ban ngành liên quan, các chùa, cơ quan truyền thông và tổ chức xã hội, đồng thời đươc phổ biến rộng rãi đến người dân qua 4 buổi hội thảo thực địa và 1 buổi hội thảo chuyên đề.