Nghiên cứu quy trình nhân giống in vitro cây Nưa
Kim Tiến
06/12/2018
KH&CN trong nước
Với mục tiêu tạo ra nguồn cây nưa giống chất lượng cao, đồng thời bảo tồn nguồn gen của loài cây dược liệu quý này, nhóm tác giả Nguyễn Thị Điệp, Huỳnh Thị Kim, Vương Thị Hồng Loan (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao) và cộng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu về quy trình nhân giống cây nưa đạt hiệu quả cao.
Cây nưa là một loài cây dược liệu thân thảo phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Phi. Cây có nhiều công dụng như làm thức ăn xanh, phân bón hoăc làm nguyên liệu sản xuất kẹo bánh, miến mì, thạch rau câu,… Đặc biệt, glucomannan chứa trong củ nưa còn là nguồn dược liệu quý giúp chữa trị táo bón, hạ lipid, giảm cholesterol, hạ huyết áp và đường máu. Tuy cây nưa có nhiều tính chất ưu việt và khả năng ứng dụng rộng rãi cùng với sự đa dạng sinh học, nhưng các công trình nghiên cứu giúp đẩy mạnh việc nhân giống cây nưa ở nước ta còn rất ít. Với sự phát triển của công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật hiện nay, việc nhân giống in vitro tạo nguồn giống cây nưa với số lượng lớn, đồng đều về mặt di truyền và không nhiễm bệnh là hướng nghiên cứu khả thi được nhóm nghiên cứu thực hiện.
Vật liệu ban đầu được sử dụng là giống cây nưa (Amorphophallus konjac K. Koch) 2 năm tuổi mua tại Công ty TNHH Cao Lâm. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các nội dung sau: khảo sát ảnh hưởng của nồng độ BA và IBA lên sự phát triển chồi từ củ cây nưa; khảo sát ảnh hưởng của thành phần khoáng lên sự tăng trưởng chồi nưa in vitro; khảo sát ảnh hưởng của nồng độ BA và IBA riêng lẻ lên sự ra rễ cây nưa in vitro.
Kết quả cho thấy, môi trường thích hợp để tạo chồi cây nưa là môi trường MS có bổ sung nồng độ 3 mg/lít BA và 0,1 mg/lít NAA; môi trường khoáng thích hợp cho cây tăng trưởng là ½ MS; môi trường phù hợp để cảm ứng ra rễ và tạo cây nưa hoàn chỉnh là môi trường ½ MS bổ sung 0,25 mg/lít IBA. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng kiến nghị cần nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của một số loại chất chống hóa nâu đến khả năng chống hóa nâu của mẫu và sự tái sinh phôi vô tính ở cây nưa.