SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình canh tác rau hữu cơ

Khi thực phẩm hữu cơ trở thành sản phẩm được nhiều người lựa chọn thì nhà sản xuất có xu hướng thực hiện quy trình canh tác rau hữu cơ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

 

Theo Australian Organic Market Report, nông nghiệp hữu cơ đang là phong trào trên thế giới, với diện tích nuôi trồng ở mức 43 triệu hécta (ha), tạo ra thị trường có giá trị vào khoảng 80 tỷ USD, tuy nhiên con số này chưa đến 5% giá trị của thị trường nông sản chính thống.

Trước xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và phát triển bền vững, nhu cầu thực phẩm hữu cơ tại nhiều thị trường được dự báo sẽ gia tăng.

Tại Việt Nam hiện nay đã có hơn 76.000 ha đất sản xuất nông nghiệp được công nhận sản xuất hữu cơ (organic). Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau sạch, chè hữu cơ, thịt sạch, tôm sạch,… Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng diện tích canh tác của cả nước. Trên thị trường, giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao; các tiêu chuẩn đánh giá còn yếu và thiếu, chưa có các hệ thống chứng nhận rõ ràng. Nói cách khác, sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ đối với số đông người tiêu dùng; hầu hết người tiêu dùng còn chưa phân biệt được khái niệm “sản phẩm hữu cơ”, nhiều lúc còn nhầm lẫn giữa sản phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và thu được nhiều thành quả. Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Mùa là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA) và châu Âu (EU organic farming) cho trang trại rau Organica tại Long Thành, Đồng Nai. Đây là trang trại trồng rau quả nhiệt đới đầu tiên tại Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của hai tổ chức trên (liên tục trong các năm 2016, 2017 và 2018 trang trại Organica Long Thành đều đạt chuẩn hữu cơ của USDA và EU organic farming).

Quy trình canh tác rau hữu cơ

Lựa chọn vùng trồng 

Vùng trồng không sử dụng hóa chất trong ít nhất 3 năm liền kề và có giấy tờ xác minh việc này hoặc đã qua giai đoạn chuyển đổi với sự cho phép của cơ quan chứng nhận. Toàn bộ vùng trồng phải được bao quanh bởi hàng rào cách ly với khu vực xung quanh (vùng đệm) để tránh lây nhiễm các hóa chất từ các vườn, các hộ lân cận vào khu vực sản xuất hữu cơ.

Người trồng phải lấy mẫu đất, nước ngầm ở khu đất này để phân tích các chỉ tiêu  (độ pH, kim loại nặng, chỉ số COD, BOD,...) và đối chiếu với tiêu chuẩn canh tác và xử lý cho đạt chuẩn. Do vậy, để trồng hữu cơ tại Việt Nam, người ta thường phải về các vùng sâu, vùng xa, những nơi ít bị tác động bởi con người, công nghiệp và ô nhiễm.

Nguồn giống

Giống sử dụng trong sản xuất hữu cơ phải là giống được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Nếu không hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ thì phải có sự xem xét và phê duyệt của cơ quan cấp chứng nhận (nguồn gốc giống, giống bản địa…). Nếu tự chọn giống thì phải có hồ sơ thu hoạch và giữ giống. Nếu không phải giống hữu cơ, thì hạt giống và cây con không được xử lý hóa chất, nhất là nguồn giống làm các loại rau mầm. Trường hợp hạt giống không xử lý không có sẵn trên thị trường, thì chỉ chấp nhận hạt giống và vật liệu trồng được xử lý với các chất cho phép của cấp có thẩm quyền và nằm trong danh mục quy định được phép.

Dinh dưỡng

Mục tiêu của quản lý dinh dưỡng đất đai là duy trì và cải thiện độ màu mỡ của đất và giảm thiểu sự xói mòn đất. Điều này được thực hiện bằng cách áp dụng kiểu canh tác luân canh, tăng cường nguồn hữu cơ từ chế phẩm sinh học xử lý môi trường, phân bón hữu cơ hoặc các biện pháp cải tạo đất.

Đất cần được thử nghiệm để xác định độ pH và mức độ phốt pho, kali, canxi và magiê. Các mức dinh dưỡng trong đất sẽ chỉ ra lượng chất dinh dưỡng bổ sung cần thiết để giúp cho rau tăng trưởng và phát triển tối ưu.

Người trồng rau hữu cơ không được sử dung phân hóa học, phân người hay phân chuồng chưa ủ hoai.

Quy trình ủ phân hữu cơ

Phân ủ hoai từ tồn dư thực vật trong trang trại và phân động vật thu gom từ các hộ chăn nuôi khu vực lân cận. Tất cả các công đoạn từ thu gom vật liệu ủ đến quy trình ủ phân cần được lưu lại. Quy trình ủ phân cần tuân theo nguyên tắc:

  • Tỷ lệ, nguồn gốc, thành phần đống ủ phải đảm bảo tỷ lệ C/N (carbon/nitơ) khoảng 25–40 tức là khoảng 7 phần xác thực vật và 3 phần phân chuồng. Nguyên liệu ủ phải đảm bảo không có nguồn gốc từ sản xuất công nghiệp, không nhiễm hóa chất.
  • Trong quá trình ủ phải đảm bảo nhiệt độ đống ủ đạt đến 55–76oC trong 15 ngày đầu liên tiếp để giết chết các vi sinh vật có hại và hạt cỏ dại. Độ ẩm của đống ủ khoảng 50-55%, hay nắm vào thấy rịn nước là đạt.
  • Thời gian ủ từ 45–60 ngày, đảo trộn 5 lần trong 15 ngày đầu để duy trì nhiệt độ đống ủ. Các lần đảo tiếp theo có thể cách nhau 7–10 ngày. Kết thúc ủ phân, đống ủ trước khi đem ra sử dụng phải đảm bảo không mùi hôi, dạng hạt màu đen, tới xốp, không có ấu trùng kiến vương

Biện pháp kiểm soát cỏ dại

Quản lý cỏ dại hữu cơ là thúc đẩy ức chế cỏ dại, không loại bỏ chúng. Quản lý bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh của cây trồng, hoặc trồng xen cây tạo tương tác phytotoxic thực vật tác động lên cỏ dại. Nông dân canh tác hữu cơ tích hợp kinh nghiệm truyền thống, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, cơ khí, vật lý và hóa học để quản lý cỏ dại mà không cần thuốc diệt cỏ nhân tạo.

Tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi luân canh cây trồng hàng năm: một loài cây duy nhất không thể phát triển trong cùng một vị trí mà không có luân phiên xen kẽ loài cây trồng khác nhau. Luân canh cây trồng hữu cơ thường xuyên bao gồm cây che phủ ức chế cỏ dại và các loại cây trồng có chu kỳ sống khác nhau để ngăn cỏ dại kết hợp với một cây trồng cụ thể. Hiện nay có nhiều nghiên cứu phát triển các phương pháp hữu cơ để thúc đẩy sự tăng trưởng của vi sinh vật tự nhiên ức chế sự phát triển hoặc nảy mầm của cỏ dại.

Kiến thức bản địa khác được sử dụng để nâng cao khả năng cạnh tranh cho cây trồng và giảm áp lực cỏ dại, bao gồm lựa chọn giống cây trồng cạnh tranh, trồng mật độ cao, khoảng cách giữa các hàng chặt chẽ, và trồng muộn (trồng cây chuyển sang từ vườn ươm) để tạo điều kiện cho cây trồng phát triển trước.

Thực hành kiểm soát cỏ dại bằng cơ giới và vật lý được sử dụng trên các trang trại hữu cơ có thể được thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như: làm đất; nhổ; đốt và che phủ - chặn cỏ dại xuất hiện với các vật liệu hữu cơ, tấm phủ plastic hoặc vải, nilon.

Cỏ dại cũng có thể kiểm soát bằng cách dùng các loại động vật ăn cỏ.

Quản lý sâu bệnh hại: sử dụng những biện pháp như làm nhà lưới ngăn ngừa côn trùng; luân canh; xen canh; trồng cây theo đúng mật độ; che phủ đất bằng cây họ đậu, bón phân hữu cơ ủ hoai để gia tăng dinh dưỡng cho đất, từ đó cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng tiếp theo sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; vệ sinh vườn thường xuyên để dịch hại không có nơi trú ẩn; xua đuổi bằng thảo dược tỏi, ớt, hạt neem…

 

Một số mô hình trồng rau tiêu biểu:

- Hệ thống trồng rau kết hợp nuôi cá tự động

- Trồng rau thủy canh: Nông nghiệp sạch từ trang trại... đến hộ gia đình

- Hệ thống trồng rau thủy canh bằng ống NFT

- Hệ thống trồng rau thủy canh bằng máng

- Mô hình nhà lưới trồng rau an toàn.

Thông tin chi tiết về Quy trình canh tác rau hữu cơ, Quý vị có thể liên hệ với Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM; ĐT: (028) 35210735 - Fax: (028) 3829 1957; Email: [email protected] hoặc truy cập vào trang web Techport.vn để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả