Nghiên cứu mức độ phát thải PCDD/F từ lò đốt chất thải y tế tại khu vực TP.HCM.
17/07/2018
KH&CN trong nước
Với mục tiêu cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước quản lý một cách có hiệu quả những thành phần độc hại thải ra từ các lò đốt chất thải, nhóm tác giả Chu Vân Hải, Mai Tuấn Anh, Ngô Thụy Phương Hiếu, Vũ Hàn Giang (Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM) đã thực hiện nghiên cứu về mức độ phát thải PCDD/F (Dioxin/Furan) từ lò đốt chất thải y tế tại khu vực TP.HCM, từ đó tạo cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
PCDD/F là phụ phẩm có độc tính cao hình thành từ các quá trình sản xuất hóa chất, sản xuất công nghiệp và thiêu đốt chất thải. PCDD/F tồn tại trong không khí, xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, trực tiếp đi vào phổi và gây ung thư ở người. Bên cạnh đó, PCDD/F ở dạng lắng đọng có thể theo mưa lắng xuống mặt đất, bám trên cỏ, lá cây, thực vật…và làm ô nhiễm môi trường đất và nước.
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 467 cở sở y tế khám chữa bệnh thuộc khối công lập và hơn 13.141 cở sở thuộc khối ngoài công lập với khối lượng chất thải rắn y tế lên tới 17 tấn/ngày. Với khối lượng chất thải lớn như vậy, nếu công nghệ xử lý lạc hậu, quá trình vận hành của các lò đốt không hiệu quả và kiểm soát không kỹ lưỡng sẽ dẫn đến lượng phát thải PCDD/F ra môi trường khá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Mẫu vật nghiên cứu (khí thải, tro thải, bùn thải và nước thải) được thu thập từ 2 địa điểm tập trung xử lý chất thải y tế trên địa bàn TP.HCM là Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và công trường Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố quản lý. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện các nội dung như: nghiên cứu mức độ phát thải PCDD/Fs từ các nguồn khí thải, tro thải, nước thải của các lò đốt chất thải y tế; đánh giá mức độ ô nhiễm và sự phân bố của các đồng đẳng PCDD/F; xem xét nồng độ của CO với nồng độ của các PCDD/F có trong khí thải.
Kết quả cho thấy, trong các mẫu vật đều có sự hiện diện của PCDD/F, trong đó: mẫu khí thải có hàm lượng PCDD/F qua các năm đều thấp hơn ngưỡng của QCVN02:2012/BTNMT và có nồng độ các chất vô cơ như CO, SO2, NO2 và O2 rất thấp; mẫu tro hóa chất và tro đáy có hàm lượng PCDD/F dưới ngưỡng cho phép; mẫu nước ép rác và bùn thải còn chứa nhiều chất độc hại và kim loại nặng. Sự phân bố của các PCDD/F trong lò đốt chất thải cho thấy 2,3,4,7,8-PeCDF (Pentachlorodibenzofuran) có nồng độ cao nhất ở nhóm PCDF và 2,3,7,8-TCDD (Tetrachlorodibenzodioxin) có nồng độ cao nhất ở nhóm PCDD. Các nhà nghiên cứu đề xuất, với những lò đốt đáp ứng QCVN02:2012/BTNMT, kết hợp với việc đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành và đúng quy trình công nghệ đề ra sẽ đảm bảo không phát thải các chất độc hại ra môi trường.