Công nghệ chế tạo trong nước
Hiện nay, cách nuôi thủy sản truyền thống đang đối mặt nhiều thách thức như chất lượng nước nuôi không ổn định, ô nhiễm môi trường, dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ sống thấp, năng suất không ổn định,… Trong khi đó, tại TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ các loại thủy sản có giá trị ngày càng cao, trong đó có cá chình bông. Nguồn thực phẩm này chủ yếu nhập từ các tỉnh khác trên cả nước, thậm chí nhập khẩu, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng. Yêu cầu đặt ra là xây dựng mô hình nuôi năng suất, chất lượng cao và không gây ô nhiễm môi trường.
TS. Nguyễn Nhứt, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tuần hoàn để nuôi cá chình bông” cho biết, hệ thống RAS trên thế giới rất đa dạng, tùy vào nơi ứng dụng (trong nhà, ngoài trời), loại thủy sản nuôi và tính chất nước nuôi (nước ngọt, nước lợ, nước mặn)… Tại Việt Nam, RAS đã được nghiên cứu ứng dụng trên các loài thủy sản trong trại giống, nuôi bố mẹ và nuôi thương phẩm như ương ấu trùng tôm biển, tôm càng xanh, tôm hùm thương phẩm, một số loại cá biển và cá nước ngọt. Hệ thống RAS nuôi cá chình bông thương phẩm được nghiên cứu thiết kế chế tạo hoàn toàn trong nước, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là cho vùng nuôi thủy sản ven đô thị ở TP.HCM, đồng thời khắc phục được các nhược điểm của phương pháp nuôi thủy sản truyền thống. Hệ thống RAS được nghiên cứu chế tạo gồm: một bể nuôi, hai bể lọc sinh học, một hệ thống thu gom bùn thải ở đáy bể nuôi, một hệ thống lắng bùn, một tháp lọc nhỏ giọt, một hệ thống cung cấp khí và hệ thống sục khí và bơm nước. Kết quả nuôi thử nghiệm cá chình bông thương phẩm bằng công nghệ RAS tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm và sản xuất thủy sản Thủ Đức (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) cho thấy, năng suất nuôi 47 kg/m3, chất lượng nước đạt tối ưu cho cá chình bông sinh trưởng trong suốt vụ nuôi. Cá chình bông giai đoạn thả giống có trọng lượng trung bình 97 g/con, sau 393 ngày nuôi trong hệ thống RAS đạt kích cỡ thương phẩm trung bình 940 g/con, tỷ lệ sống 82%, tốc độ tăng trưởng 2,1 g/con/ngày. Chất lượng cá nuôi sạch bệnh, không nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm, đáp ứng chỉ tiêu cá xuất khẩu.
Ứng dụng nuôi nhiều loài thủy sản có giá trị
Theo TS. Nguyễn Nhứt, hệ thống RAS đã được triển khai ứng dụng ra thực tế, phù hợp với nhiều quy mô và đối tượng nuôi khác nhau, từ các loại thủy sản chiến lược (cá tra, tôm) cho đến các loại có giá trị kinh tế cao (cá chình bông, cá chạch quế, trắm đen, cá tầm,…). Cụ thể, Công ty TNHH Khoa học Nuôi trồng thủy sản và Môi trường SAEN (TP.HCM) đã đầu tư ứng dụng công nghệ RAS nuôi cá chạch quế năng suất 100 kg/m3 (tương đương 12 tấn/80m3/5tháng); cá chình bông 3,2 tấn/80m3/13tháng; cá bỗng, cá trắm đen 100 kg/m3; ương giống cá chạch lấu tỷ lệ sống đạt 95%. Công nghệ này cũng được chuyển giao ứng dụng cho nông hộ nuôi cá tầm ở Đà Lạt với năng suất 70 kg/m3. Ước tính sau 1 năm ao nuôi 300 m2 sẽ thu hoạch 15 tấn cá, giá cá tầm bán sỉ vào khoảng 150 ngàn đồng/kg. Tại trại Cá giống Trực (Gò Công, Tiền Giang), công nghệ RAS đang được triển khai ứng dụng nuôi lươn, dự kiến quy mô bể nuôi 6 m2 sẽ cho thu hoạch 300 – 500 kg/vụ nuôi.
Ngoài ra, công nghệ RAS đang được triển khai cho 16 nông hộ nuôi thủy sản ven đô thị và cơ sở giáo dục ở TP.HCM. Dự kiến đến năm 2020 sẽ triển khai 50 mô hình này, ứng dụng vào nuôi cá lóc, cá hô, cá rô đồng, tôm thẻ, tôm sú, cá chim vây vàng, cá thác lác, tôm càng xanh,… phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch và tham quan học tập tại TP.HCM.
Thực tế ứng dụng cho thấy, công nghệ RAS (chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống khoảng 300 triệu đồng) nuôi cá chình bông cho năng suất cao hơn nhiều so với nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, RAS tái sử dụng nước tối đa, nhờ kết hợp hệ thống xử lý nước toàn diện, cho phép kiểm soát chất lượng nước và điều kiện môi trường ao nuôi, bể nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, ứng dụng RAS có thể nuôi quanh năm mà không phụ thuộc các biến động về chất lượng nguồn nước và nhiệt độ môi trường xung quanh; có thể nuôi trong nhà hoặc ngoài trời với diện tích nuôi nhỏ gọn,… Hệ thống cũng giải quyết được vấn đề nhân công (một trong những thách thức lớn của ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay), bởi vận hành, điều khiển hoàn toàn tự động, chỉ cần một nhân công cho suốt vụ nuôi. Các chỉ tiêu bền vững (hiệu quả sử dụng tài nguyên, sử dụng hiệu quả dinh dưỡng từ nguồn thức ăn, chất xả thải môi trường, hiệu quả kinh tế) cũng được đánh giá tốt hơn so với quy trình nuôi truyền thống.
Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng rộng rãi hệ thống này cho nông dân còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư công nghệ RAS cao hơn so với nuôi ao, cần lao động chuyên nghiệp vận hành hệ thống. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao khi nuôi cá chình bông bằng RAS, cần giảm giá thành con giống và thức ăn, đồng thời hướng đến xuất khẩu sản phẩm.
TS. Nguyễn Nhứt cho biết thêm, hiện tại nhóm đề tài đã sẵn sàng chuyển giao, tư vấn và lắp đặt ứng dụng hệ thống RAS với chi phí từ 200 – 500 triệu đồng/hệ thống nuôi tôm thẻ; 300 – 500 triệu đồng/hệ thống nuôi tôm hùm; 200 – 300 triệu đồng/hệ thống nuôi cá (riêng nuôi cá tầm, chi phí khoảng 500 – 600 triệu đồng).
Lam Vân (CESTI)